Trong cuộc chiến ngày càng nghiêng về cạnh tranh kỹ thuật - chiến thuật, cả Nga và Ukraine đang giới thiệu các hệ thống được cho là có thể vô hiệu hoá lợi thế của nhau: Máy bay không người lái AI và tác chiến điện tử (EW) mới.

Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) đang lên kế hoạch biên chế các phương tiện bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ AI nhằm vượt qua những hệ thống EW vượt trội mà Nga triển khai trên chiến trường. Trước đó, Moscow tuyên bố phát triển thành công UAV mới, có khả năng chống mọi phương pháp gây nhiễu hiện có. 

Drone hay UAV, đã trở thành đặc trưng cho cuộc chiến kéo dài 26 tháng tại châu Âu - nơi các máy bay điều khiển từ xa thương mại giá rẻ, sản xuất hàng loạt, đã được sử dụng cho các mục đích quân sự, từ giám sát trên không đơn giản, trinh sát, dẫn đường hỏa lực pháo binh cho đến tấn công vũ trang (gắn thuốc nổ).

a picture of a pole 21 electronic warfare ew system.jpg
Những hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây không ít khó khăn cho Ukraine trong cuộc chiến. Ảnh: EAT

Vượt “tường lửa”

Đối với Kiev, drone gần như trở thành giải pháp thay thế cho lực lượng pháo binh, vốn đang cạn kiệt đạn dược khi các nhà máy quân sự bị phá huỷ, cũng như sự hạn chế về số lượng đạn pháo, loại pháo mà Mỹ và đồng minh có thể hỗ trợ.

Theo TASS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Ekaterina Chernogorenko, cho biết quân đội có kế hoạch trang bị AI cho máy bay không người lái để đối phó với việc “quân đội Nga sử dụng rộng rãi chiến tranh điện tử”.

“Vấn đề lớn nhất (đối với UAV) là kilomet cuối cùng để tiếp cận mục tiêu, do binh sĩ Nga ngày càng có nhiều thiết bị tác chiến điện tử cá nhân”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine nói.

Bởi vậy, nước này tìm đến công nghệ AI, để giải quyết bài toán “điều hướng drone lao vào mục tiêu, ngay cả khi kênh điều khiển của nó đã bị chặn”.

Theo đó, các UAV này hoạt động tự động, có rất ít hoặc hoàn toàn không có sự điều khiển của con người. Phương tiện di chuyển dọc theo các điểm tham chiếu, tự xác định và tấn công mục tiêu với dữ liệu đầu vào là vị trí, địa hình và mục tiêu lập trình từ trước. Ngoài ra, các UAV này cũng có khả năng được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS).

secondary dual cameras beside the main nose camera on the lancet claimed to be a laser based sighting system.jpeg
Mẫu drone cảm tử Lancet của Nga được trang bị camera đôi nhận diện mục tiêu. Ảnh: EAT

Các chuyên gia quân sự Ukraine kỳ vọng, những thuật toán cực kỳ phức tạp có thể giúp drone tự vận hành trong một số tình huống cụ thể, cũng như công nghệ AI cung cấp cho thiết bị khả năng ra quyết định.

“Phòng thí nghiệm” AI chiến tranh

Việc không có liên kết điều khiển vô tuyến giữa người điều hành mặt đất và máy bay hoặc tín hiệu điều hướng vệ tinh sẽ giúp drone không thể bị “gây nhiễu” hay “giả mạo” tín hiệu từ các hệ thống EW.

Tạp chí Time gần đây cho biết, các công ty công nghệ phương Tây đang biến Ukraine thành “phòng thí nghiệm chiến tranh AI”. Những nỗ lực như vậy, được dẫn dắt bởi Bộ trưởng Bộ chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, Mykhailo Fedorov - người huy động vốn quốc tế và cộng đồng mua hàng nghìn drone dân sự để sử dụng trên chiến trường.

Trong khi đó, tháng 10 năm ngoái, drone cảm tử Lancet của Nga được cho là có khả năng tự động xác định các hệ thống pháo binh phương Tây và thực hiện các cuộc tấn công bổ nhào.

Để làm được điều này, Lancet sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh với kho dữ liệu đã được xác định và phân loại trong ngân hàng dữ liệu nội bộ.

(Theo EAT)