Lần đầu tiên, Việt Nam có một bản quy hoạch tổng thể hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển thành hạ tầng thế hệ mới, đồng bộ các hợp phần, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Xét trong quy hoạch tổng thể quốc gia, việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT được nhận định có vai trò quan trọng với sự phát triển tổng thể kinh tế xã hội Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về bức tranh hạ tầng TT&TT trong kỷ nguyên số.

Bài 1: Quy hoạch hạ tầng TT&TT sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Bài 2: Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước dẫn đầu châu Á về tên miền

Bài 3: Quy hoạch hạ tầng TT&TT đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số

Bài 4: Đưa mạng bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của kinh tế số Việt Nam

Đưa công nghiệp công nghệ số thành ngành kinh tế mũi nhọn

Việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT đến năm 2020, nay đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT, ở một số địa phương, việc liên kết, hợp tác giữa các khu CNTT tập trung, khu công nghiệp để hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ vẫn còn yếu. Điều này đã ảnh hưởng đến năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT. Mặt khác, sự phát triển của các khu CNTT tập trung cũng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các thành phố lớn.

Từ thực tế đó, Bộ TT&TT nhận thấy, để thực hiện được chiến lược trọng tâm là phát triển khu CNTT tập trung, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ, tạo động lực thu hút nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư cho các khu này.

Được lồng ghép, tích hợp trong Quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia cùng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch vùng, một điểm mới của nội dung quy hoạch hạ tầng công nghiệp CNTT là xác định rõ các vùng, địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển các khu CNTT tập trung.

W-cong-vien-phan-mem-quang-trung1-1-1.jpg
Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM) là một trong những khu CNTT tập trung đã và đang hoạt động thành công. (Ảnh: Hải Đăng)

Quy hoạch hạ tầng TT&TT mới cũng định hướng hình thành cụm khu CNTT tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm để tạo hệ sinh thái số, nâng cao năng lực cạnh tranh và hàm lượng sản phẩm CNTT Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, phát huy các kết quả, giá trị của các khu hoạt động thành công, tạo sự lan tỏa cho các khu CNTT tập trung trên cả nước.

Nói về ý nghĩa của việc hình thành các cụm khu CNTT tập trung, đại diện Viện Chiến lược TT&TT cho hay, quy hoạch mới đã bố trí không gian phát triển các cụm khu CNTT tập trung tại 6 vùng kinh tế trọng điểm, có tính đến việc phát huy lợi thế vùng, tránh chồng lấn trong thu hút nguồn lực đầu tư - FDI, góp phần giảm chênh lệch trong phát triển giữa các vùng miền và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Việc phát triển các khu CNTT tập trung theo quy hoạch mới sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước - ngành công nghiệp công nghệ số. Đây cũng sẽ là vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển, cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các khu CNTT tập trung còn là trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng cho cả nước”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT chia sẻ.

‘Tính khả thi đã được đặc biệt lưu ý’

Trong quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới, với cách tiếp cận dòng chảy, 5 hợp phần của hạ tầng này gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu như mạng bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất, hạ tầng số bảo đảm dòng chảy dữ liệu, ứng dụng CNTT duy trì dòng chảy tri thức tới từng người từng nhà, an toàn thông tin mạng bảo đảm chủ quyền quốc gia của các dòng chảy, thì công nghiệp CNTT hướng tới xây dựng hệ sinh thái số trên các dòng chảy.

Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2025 sẽ hình thành và triển khai đề án, dự án từ 12 - 14 khu CNTT, chuỗi khu công viên phần mềm tại các địa phương trên cả nước; và đến năm 2030 phát triển khoảng 16 - 20 khu, tạo ra các cụm khu CNTT tập trung tại một số vùng bảo đảm sự liên kết trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ với sản xuất sản phẩm công nghệ số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Các khu công nghiệp CNTT sẽ phân bổ đều ở 6 vùng kinh tế dựa trên thế mạnh của từng vùng, kết nối theo chuỗi tạo ra dòng chảy dữ liệu xuyên suốt, liên tục giữa các vùng, miền trên cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vị trí xây dựng được ưu tiên đặt gần các trung tâm dữ liệu. Đặc biệt, theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ xây mới từ 2 - 3 khu CNTT tập trung tại Hà Nội và vùng phụ cận; Đà Nẵng, TP.HCM và vùng phụ cận.

khu phuc hop van phong fpt 3 1.jpg
Triển khai quy hoạch hạ tầng công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư cho R&D, làm chủ các công nghệ mới. (Ảnh minh họa: Lan Anh)

Khẳng định Bộ TT&TT trong quá trình xây dựng quy hoạch đã cân nhắc đến tính khả thi, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT Trần Minh Tân cho biết, về hạ tầng công nghiệp CNTT, Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan để rà soát từng nội dung, cân nhắc từng mục tiêu, phương án phát triển cụ thể.

Đưa ra minh chứng về tính khả thi trong thực hiện quy hoạch, cơ quan soạn thảo nêu: Tính cả 2 khu mới bổ sung thì cả nước hiện có 7 khu CNTT tập trung. Quá trình khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Định, Tiền Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hóa có đủ điều kiện để hình thành thêm một số khu CNTT tập trung. 

“Do đó, việc quy hoạch đặt mục tiêu hình thành và triển khai đề án, dự án từ 12 - 14 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm tại các địa phương trên cả nước đến năm 2025 là phù hợp với mục tiêu phát triển ngành và điều kiện của địa phương”, đại diện đơn vị soạn thảo nhận định.

Nhấn mạnh cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai quy hoạch, Bộ TT&TT chỉ rõ, một việc cần tập trung ở giai đoạn trước mắt là hình thành hệ thống khu CNTT tập trung nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Đồng thời, phát triển các chuỗi thành viên khu công viên phần mềm có quy mô vừa và nhỏ để tạo điều kiện phát triển công nghiệp ICT tại khu vực lân cận, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, cần huy động, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số lớn, có uy tín đầu tư nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ mới, tham gia hoạt động đào tạo nhân lực, xây dựng, tài trợ các khu công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các khu CNTT tập trung.

Để phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT giai đoạn mới, 5 nhóm giải pháp chính sẽ được tập trung thời gian tới gồm: Cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư; khoa học công nghệ và môi trường; phát triển nguồn nhân lực; và hợp tác quốc tế.