Mỗi thế hệ góp một viên gạch xây nên ngôi nhà PTIT

Ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT. Cùng dự buổi làm việc với gần 100 cán bộ, giảng viên, sinh viên PTIT tại Hà Nội và TP.HCM, còn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và lãnh đạo gần 20 đơn vị trong Bộ.

bo truong lam viec voi ptit 1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm cơ sở vật chất của Học viện tại cơ sở đào tạo Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chỉ ra điểm đặc biệt của đại học là thường tồn tại lâu dài, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Học viện có tầm nhìn dài hạn vào tương lai, có ‘ngôi sao dẫn lối’. Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ dẫn dắt Học viện tốt hơn, giúp trường đảm bảo được tính xuyên suốt, nhất quán trong phát triển và kéo dài qua nhiều thế hệ. Tuy vậy, lãnh đạo Học viện cũng cần nghĩ đến đến viên gạch mà thế hệ này đóng góp xây dựng nhà trường. “Nghĩ xa và nghĩ lớn nhưng cần thực hiện bằng những bước đi nhỏ”, Bộ trưởng lưu ý. 

Bộ trưởng chỉ rõ những yếu tố Học viện cần chú trọng xây dựng để trường phát triển lâu dài, bền vững. Đó là các nền tảng; sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi được hình thành, duy trì xuyên suốt; văn hóa để tạo chất keo kết dính mọi người trong Học viện, tạo môi trường lành mạnh.

Nhấn mạnh nền tảng tốt sẽ đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tổ chức, Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo Học viện phải chú trọng vấn đề xây dựng các nền tảng. Cần coi Học viện là ngôi nhà do nhiều thế hệ xây dựng; mỗi thế hệ, mỗi người sẽ góp một viên gạch xây nên ngôi nhà đó.

Với chặng đường vừa qua, Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà tập thể Học viện đã đạt được. Đặc biệt là, công tác chuyển đổi số đã có những thành quả ban đầu, hợp tác quốc tế được chú ý hơn, và ban lãnh đạo mới có khát vọng và quyết tâm cao.

Theo Giám đốc Học viện Đặng Hoài Bắc, nhiều việc trường làm được thời gian qua là nhờ có những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Đó là: Học viện chuyển đổi số thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một quốc gia số thu nhỏ; Giữ gìn bản sắc để đi xa; Hỏi để học và hành để học; Học viện nên mở Văn phòng đại diện ở nước ngoài; Sẽ đến lúc doanh thu của Học viện đến từ thị trường nước ngoài; Tài sản lớn nhất của một trường đại học chính là những người đã tốt nghiệp.

w dai hoc so ptit 1 1 1 243.jpg
Năm 2024, Học viện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đại học số cho các cơ sở đào tạo trên toàn quốc. Ảnh: Hải Bằng

Kết thúc năm 2023, không chỉ là đại học có quy mô lớn tại Việt Nam với hơn 20.000 sinh viên, Học viện đang có tên trong nhóm trường hàng đầu Việt Nam về ICT, đa phương tiện; trường đi đầu về chuyển đổi số đại học. Học viện còn thuộc nhóm 5 trường tiên phong tham gia đề án đào tạo nhân lực công nghệ số và là 1 trong 5 trường liên minh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Trong báo cáo kế hoạch năm 2024, bên cạnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo Học viện đã ‘ánh xạ’ phương châm hành động của Bộ TT&TT “Rộng hơn – Toàn diện hơn – Thiết thực hơn -Chất lượng hơn – Nhanh hơn” vào hoạt động của trường với những nhiệm vụ, công việc cụ thể.

Tìm ra điểm mạnh khác biệt để bứt phá 

Tại buổi làm việc, không chỉ góp ý về định hướng phát triển của Học viện, lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT còn đề xuất những nội dung muốn phối hợp với trường như: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức của Bộ; Tổ chức bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ cho lực lượng làm báo; Đưa học viên cao học, nghiên cứu sinh của Học viện đến các cục, vụ, viện làm đồ án, luận án; Kết nối trường với doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước để thiết lập hợp tác đào tạo nhân lực...

Được giao theo dõi và chỉ đạo Học viện, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị trường chú trọng nâng chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường và lấy đánh giá của nhà tuyển dụng làm thước đo chính. Trường cũng cần phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu phát triển, đầu tư vào dự án nghiên cứu có tầm ảnh hưởng quốc gia. 

bo truong nguyen manh hung 2.jpg

Lưu ý về vấn đề đạo đức trong trường đại học, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng đại học phải luôn là môi trường trong sạch và lành mạnh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các kiến nghị và thắc mắc của cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện cũng đã được Bộ trưởng dành thời gian giải đáp, gợi mở hướng giải quyết. Cụ thể, trước băn khoăn của lãnh đạo Học viện về giải pháp quản trị hiệu quả trong bối cảnh phát triển nhanh, Bộ trưởng lưu ý 3 việc: Duy trì mô hình 2 người quản trị, chuyển hoạt động lên môi trường số và đưa tri thức quản trị doanh nghiệp vào quản lý trường.

Trao đổi với các giảng viên ngay trước buổi làm việc, ngoài đề xuất dùng AI để bổ trợ kiến thức nền cho người học, Bộ trưởng cũng đề nghị các thầy cô đổi mới hoạt động giảng dạy, với gợi ý phối hợp nội dung online với offline, bằng cách giảng viên phát clip bài giảng và dành thời gian tương tác với sinh viên.

W-a58i2757-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Học viện lấy việc mở rộng hợp tác quốc tế là một điểm mạnh của tổ chức mình. Trong ảnh: Bộ trưởng nói chuyện với học viên quốc tế chương trình thạc sỹ CNTT của trường. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khẳng định công nghệ số có ảnh hưởng lớn đến đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Học viện đang có cơ hội bứt phá, vượt lên thay đổi thứ hạng. Vì thế, trường cần quyết tâm ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi cách đào tạo.“Muốn vươn lên thành đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực thì con đường duy nhất của Học viện là chuyển đổi số”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Học viện coi nhân lực số - đội ngũ tạo ra nền tảng đào tạo số, học liệu số, thiết kế học và thi online là một lực lượng lao động chính cũng quan trọng như các giảng viên. Nhân lực số cần chiếm từ 20 – 30% nhân sự của Học viện và trường có thể thành lập một doanh nghiệp công nghệ số để trước tiên chuyển đổi số cho trường mình và tiếp đó triển khai cho những cơ sở đào tạo khác.

Muốn vươn lên thành đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực thì con đường duy nhất của Học viện là chuyển đổi số Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Để vươn lên, Học viện phải thấy lợi thế căn bản, điểm mạnh khác biệt của trường mình. Bộ trưởng phân tích, công nghệ số tạo ra những nghề mới. Vì thế, là đại học duy nhất của bộ quản lý nhà nước về công nghệ số, Học viện cần tập trung đào tạo các nghề mới về công nghệ số vào coi đây là sự khác biệt căn bản của trường. Theo đó, công nghệ số cứ tạo ra nghề, lĩnh vực mới gì thì trường sẽ đi đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực đó. Sự khác biệt này sẽ giúp trường tạo nên thương hiệu.

Bộ trưởng còn chỉ rõ những việc cụ thể Học viện cần quan tâm như: Coi reskill (dạy kỹ năng mới hoặc nâng cấp kỹ năng hiện có phù hợp yêu cầu mới - PV) là mảng lớn của trường, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để đào tạo về công nghệ mới, hợp tác với một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hình thành những trung tâm đào tạo cho các nghề mới, quan tâm đến đổi mới sáng tạo các mô hình đào tạo và kinh doanh mới, đa dạng hóa nguồn thu của trường, đồng thời chú trọng xây dựng hạ tầng nghiên cứu.

bo truong lam viec voi hoc vien.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm và các cán bộ tham gia đoàn công tác của Bộ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đặc biệt lưu ý Học viện cần tận dụng tốt lợi thế là trường thuộc Bộ TT&TT, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo nhà trường phối hợp với các đơn vị của Bộ để có kế hoạch đưa chất lượng đào tạo các lĩnh vực của ngành lên top 1, 2. Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ cũng được chỉ đạo phối hợp với Học viện để thống nhất kế hoạch đưa cán bộ, chuyên viên các đơn vị trong Bộ tham gia đào tạo, thỉnh giảng.

Bày tỏ niềm tri ân với sự định hướng, hỗ trợ từ Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng Học viện Từ Minh Phương cho biết tập thể cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên, học viên và sinh viên của nhà trường sẽ tiếp thu nghiêm túc và có kế hoạch triển khai cụ thể những chỉ đạo cùng góp ý của lãnh đạo Bộ và các đơn vị.

Chiến lược phát triển Học viện xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là hình mẫu tiên phong về chuyển đổi số trong giáo dục đại học; nằm trong top 100 châu Á và top 5 ASEAN về công nghệ số.