Đây là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đặt ra tại hội thảo “Lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo”, được tổ chức ngày 26/4 tại TP.HCM.

Doanh nghiệp muốn bỏ “thông báo sản phẩm quảng cáo” màn hình LED

Tại điều 28 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch soạn thảo, có sửa đổi tại khoản 2, bổ sung khoản 2a quy định: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo phải gửi trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo”.

thanh dao.jpg
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, luật hiện hành không quy định việc cấp phép màn hình LED. Dự thảo luật mới đưa vào nội dung “thông báo sản phẩm quảng cáo” giống như một hình thức xin phép, rất bất cập. Doanh nghiệp sẽ mất thêm thời gian và công sức để làm hồ sơ, trong khi sai phạm quảng cáo trên màn hình LED là rất ít, không phải điểm “nóng”. Những gì luật đã thông thoáng rồi không nên bó lại, như thế đúng theo tinh thần cải cách hành chính. 

hoi thao quang cao 9.jpg
Ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Goldsun phía Nam. Ảnh: Nguyễn Huế

Cùng quan điểm, ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Goldsun phía Nam cho rằng, việc “thông báo sản phẩm quảng cáo” trên bảng điện tử (màn hình LED), ban soạn thảo Dự án Luật cần cân nhắc và nên bỏ. Ngành quảng cáo đang đi lên, nhưng nếu thêm thủ tục hành chính thì lại giống như bị đứng lại. Ở các nước trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực châu Á, nội dung quảng cáo trên bảng điện tử có thể thay hàng trăm lần trong ngày và họ có quyền làm điều đó, tại Việt Nam, như Goldsun đang để là 16 lần. Nhưng giờ doanh nghiệp phải đi báo cáo xin một cái giấy phép thông báo nội dung sản phẩm của cơ quan quản lý, sẽ rất khó cạnh tranh được với các nền tảng online quốc tế như YouTube, Facebook…

hoi thao quang cao 11.jpg
Ông Nguyễn Quang Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Nguyễn Quang Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, Giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo Shojiki, đặt ra vấn đề với quảng cáo màn hình LED, một TVC quảng cáo có thể lên đến 500MB, với các mạng quảng cáo lớn một ngày lên 100-200 cái trên màn hình này, liệu hạ tầng công nghệ của các sở, ngành có thể đáp ứng được việc doanh nghiệp nộp thông báo lên không hay sẽ bị tắc nghẽn; chỉ cần nộp một cái hình thông báo thì có được không?

Theo ông, để xin đặt một màn hình điện tử quảng cáo, hiện nay, các doanh nghiệp  phải qua 7 sở và UBND thành phố phê duyệt mới được phép thực hiện. Cho nên, các quảng cáo này sẽ không có các nội dung vi phạm và có bộ phận phê duyệt rất kỹ. Nếu đưa ra quy định như trên, đâu đó các doanh nghiệp quảng cáo thấy khó sẽ cắt bớt quảng cáo hình thức này để chuyển sang online, nơi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang thống trị, các doanh nghiệp trong nước sẽ mất một phần doanh thu.

Nỗi lo quảng cáo “nhạy cảm” ảnh hưởng an ninh quốc gia

Liên quan đến quảng cáo màn hình LED, ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Quảng cáo Việt Nam (ARTI Vietnam), đặt ra một vấn đề rất trăn trở. Đó là nội dung quảng cáo đưa lên các màn hình LED sẽ rất nguy hiểm nếu mất kiểm soát.

hoi thao quang cao 13.jpg
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Quảng cáo Việt Nam (ARTI Vietnam). Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Đỗ Kim Dũng, 10 năm trước, các đối tác Nhật Bản cho biết những màn hình LED quảng cáo trên xe buýt của nước này không phải đi cài đặt từng cái mà có thể ngồi một chỗ điều chỉnh được; hay một bảng quảng cáo ở siêu thị có thể dùng camera xác định người đứng xem ở độ tuổi bao nhiêu để đưa ra quảng cáo phù hợp; tất cả đều do AI thực hiện.

Với công nghệ, đặc biệt là AI phát triển như hiện nay, một doanh nghiệp ngồi tại nhà vẫn có thể điều khiển được các video clip trên tất cả các màn hình LED. Giả sử một hacker tấn công và chèn vào nội dung phản động thì phải xử lý như thế nào, vấn đề này hoàn toàn có thể xảy ra trong 5-7 năm nữa. Làm sao để kiểm soát được mẫu video clip ở hàng trăm nghìn màn hình LED trên toàn quốc.

hoi thao quang cao 5.jpg
Ông Trần Việt Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Huế

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Trần Việt Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện tại, hình thức quản lý màn hình LED 100% là offline, nhưng 3 – 5 năm nữa "không thể cứ đi leo từng cột điện cắm USB vào các màn hình". Vì thế, giải pháp lâu dài là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo có thể hợp tác với các nhà mạng như Viettel, CMC, VNPT, FPT trong công tác truyền dẫn, bởi các đơn vị này có đầy đủ công nghệ bảo mật để các hacker không xâm phạm được. Còn về giấy phép phê duyệt nội dung, các đơn vị có thể hợp tác với các đài truyền hình để nhờ họ kiểm duyệt và xem đó là một phần sơ khảo.

Ngược lại, ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Goldsun phía Nam cho rằng, thực tế không cần dùng đến online vẫn có thể xử lý được câu chuyện quảng cáo trên màn hình LED. Goldsun hiện nay có khoảng 10.000 màn hình ở TP.HCM và Hà Nội và chỉ cần dùng 20 nhân sự là có thể quản lý hết. 

Việc công ty này quyết định dùng offline để thay thế nội dung quảng cáo trên màn hình LED là để đảm bảo bí mật, có thời gian hàng tuần để kiểm tra hệ thống có chạy không, phát có đủ không, chụp hình báo cáo khách hàng. Với cách làm này thì không phải lo bị hack và bảo vệ được công việc làm của bao gia đình. Việc đặt ra vấn đề online diễn ra 5-7 năm nữa, theo ông Đặng Quốc Tuấn, lúc đó nếu nhu cầu là có thật thì có thể sửa đổi bổ sung sau. Goldsun đồng ý hiện tại vẫn làm offline bởi từ trước đến nay không có vấn đề gì xảy ra. 

hoi thao quang cao 29.jpg
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ảnh: Nguyễn Huế

Kết luận vấn đề này, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, liên quan đến câu chuyện quảng cáo màn hình LED online/offline, để online được sẽ cần rất nhiều nghiên cứu, đánh giá tác động và đặc biệt phải có ý kiến của các cơ quan chức năng, bao gồm cả cơ quan công an. 

Theo ông Hoàng Minh Thái, hacker tấn công mạng Internet hoàn toàn khác với hacker tấn công vào hệ thống quảng cáo online trên màn hình lớn. Doanh nghiệp có ý kiến là đặt cả cơ nghiệp vào những tấm bảng ấy, nhưng đây là tác động xã hội; nếu tình huống xấu xảy ra, hậu quả sẽ như thế nào? 

“Chẳng hạn đúng dịp 2/9, hacker chạy một quảng cáo có nội dung “nhạy cảm” sẽ cực kỳ nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cho nên về luật sẽ có một lộ trình cho quảng cáo trên màn hình LED online/offline”, ông Thái cho biết.