Thông tin tới PV VietNamNet chiều 18/3, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy.

Theo đó, UBND xã sẽ thực hiện mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong từ năm 2023 đến năm 2025. Kinh phí thực hiện là 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác là 4,5 tỷ đồng.

Dự kiến đến năm 2025, xã Giao Phong sẽ phấn đấu thực hiện thành công các tiêu chí: xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh đảm bảo 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

z5261563243837 cc9589eaaf68285d17784f0cf7599f2e.jpg
Xã Giao Phong nằm ở phía Tây Nam huyện Giao Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 12 km, có 2.467 hộ, 6.835 nhân khẩu. Ảnh: Phạm Tùng

Xã Giao Phong đề ra mục tiêu sẽ có hạ tầng mạng Internet băng rộng, cáp quang phủ sóng trên 80% hộ gia đình, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G đạt 100 %; có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn đạt hơn 90%; triển khai, phổ cập các ứng dụng và nền tảng số cho người dân.

Bên cạnh đó, người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 80%; người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; người dân kịp thời nhận thông tin và được hướng dẫn biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu qua kênh thông tin tuyên truyền ứng dụng công nghệ số.

Đồng thời, xã sẽ lắp đặt một số camera giám sát an ninh, kết hợp ứng dụng phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh tại các khu vực công cộng, tuyến đường chính, tuyến ngõ trọng điểm, nơi giao thông giao cắt... hoặc điểm có nguy cơ về an ninh trật tự...

Mục tiêu xây dựng xã Giao Phong thành xã nông thôn mới thông minh, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống xã hội, thông qua việc cải thiện hạ tầng, mạng lưới viễn thông.

Tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực sức khỏe và giáo dục, cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và công tác hỗ trợ điều hành của chính quyền, góp phần thúc đẩy kinh tế, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân. 

Việc xây dựng thành công mô hình nông thôn mới thông minh sẽ tạo một xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn - thành thị.