Cập nhật về các kết quả triển khai 'Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn đến năm 2025' (còn gọi là Chương trình 830), bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC cho biết, trong gần 3 năm qua, nhiều hoạt động về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên mạng đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành triển khai.

W-ba-dinh-nhu-hoa-1.jpg
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định An toàn thông tin của VNCERT/CC tại Hội thảo chuyên đề về bảo vệ trẻ em trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023. 

Cụ thể, về hoàn thiện hành lang pháp lý, bên cạnh việc tham giam tham mưu, trình Chính phủ ban hành, sửa đổi 3 Nghị định để bổ sung các quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ TT&TT cũng đã ra Thông tư 11 năm 2022 trong đó đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại địa phương.

Quá trình triển khai Chương trình 830, ba bộ: Công an, LĐTB&XH và TT&TT đã ký quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Song song đó, nhóm nhiệm vụ giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cũng đã được tập trung, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Cuộc thi 'Học sinh với an toàn thông tin' được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2022, thu hút đông đảo học sinh THCS trên toàn quốc tham gia; cuộc thi phát triển ý tưởng trò chơi về chủ đề 'Bảo vệ trẻ em' năm 2022;

Tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực cả 3 miền Bắc – Trung - Nam về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; triển khai tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho nhân viên tư vấn và cộng tác viên của Tổng đài 111; tổ chức hội thảo 'Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng' trong khuôn khổ 'Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022', hội nghị nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại TP.HCM hồi cuối năm ngoái...

bao-ve-tre-em-1-1.jpg
Trang web của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được cho ra mắt tại địa chỉ vn-cop.vn từ cuối năm ngoái.

Đặc biệt, hệ thống kênh truyền thông về bảo vệ trẻ em trên mạng đã được thiết lập, bao gồm website và các kênh truyền thông trên mạng xã hội của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP), cụ thể là trang web tên miền vn-cop.vn, fanpage vn-cop; kênh YouTube và TikTok vn-cop.

Cũng trong năm 2023, Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã phối hợp với VietNet-ICT và VTC NetViet phát triển 2 khóa học ‘Làm bạn cùng con trên môi trường số’ và ‘Giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên’.

Cả 2 khóa học này đều được cung cấp trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch.vn. “Hai khóa học hữu ích này sẽ hỗ trợ các bậc cha mẹ, thầy cô trong quá trình đồng hành bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Đinh Thị Như Hoa chia sẻ.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì một môi trường mạng lành mạnh để trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo, bà Đinh Thị Như Hoa cho biết, Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã tham gia thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bảo vệ trẻ em.

Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp SafeGate, Bkav, Nexta, Lancs Việt Nam, CyRadar, CyberPurify, FPT và VNPT phát triển 10 sản phẩm bảo vệ trẻ em.

Chia sẻ thêm về định hướng hoạt động thời gian tới, đại diện VNCERT/CC cho hay, truyền thông, hệ sinh thái sản phẩm và hệ thống công cụ tiếp tục là 3 nhóm nội dung sẽ được Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chú trọng.

Cụ thể, song song với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng (trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em), mạng lưới sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai Hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em.

Chương trình ‘Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 830 ngày 1/6/2021.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Chương trình hướng tới ‘mục tiêu kép’: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế là 5 nhóm nhiệm vụ chính của Chương trình 830.