Ngày 1/3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cho các nội dung trong dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Đây là 1 trong 3 Nghị định Bộ TT&TT được giao chủ trì xây dựng để hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cùng với 2 Nghị định khác quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử và quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung.

W-giao-dich-dien-tu-1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội nghị lấy ý kiến các nội dung trong dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương với 53 điều, được nhận định là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số. Một trong những chính sách nổi bật của luật này là tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Đặc biệt, dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào luật, đóng vai trò tạo niềm tin thúc đẩy giao dịch điện tử.

Doanh nghiệp đặc biệt quan tâm điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy

Một nội dung được các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) dành nhiều thời gian trao đổi, góp ý với đơn vị soạn thảo Nghị định là về quy định định điều kiện kinh doanh các dịch vụ tin cậy – không gian mới cho các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy nhanh tại Việt Nam.

Theo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Bên cạnh các điều kiện kỹ thuật, tại dự thảo Nghị định mới, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cũng đề xuất các điều kiện tài chính và nhân sự đối với doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tin cậy. Theo đó, NEAC đề xuất mức ký quỹ là tối thiểu 10 tỷ đồng và bổ sung quy định về mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.  Hiện nay, mức ký quỹ với dịch vụ chữ ký số công cộng là 5 tỷ đồng.

chu-ky-so-ca-nhan.jpg
Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 1 trong 3 dịch vụ tin cậy, theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ở góc độ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội này cho rằng đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy không thể là đơn vị bình thường mà phải đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng công nghệ, tiền ký quỹ, vốn điều lệ... Bởi lẽ, các dịch vụ này sẽ tham gia vào các hệ thống lớn, nếu không đảm bảo an toàn thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Dẫn chứng ngay dịch vụ thông tin tín dụng, ông Hùng cho hay, chỉ có 5 doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu mới được chọn tham gia cung cấp dịch vụ này.

Góp ý trực tiếp vào quy định tại dự thảo, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam đề nghị cân nhắc bổ sung điều kiện về vốn điều lệ. Mức ký quỹ nên tham vấn ý kiến của chuyên gia độc lập và tính toán sở cứ theo thông lệ về quản lý rủi ro. Về nhân sự, các vị trí đặc trách cần đáp ứng đủ các điều kiện và có chứng chỉ tương ứng về PKI (hạ tầng khóa công khai).

Đại diện VNPT-CA và FPT-CA đều đồng ý với việc nâng mức ký quỹ và bổ sung thêm yêu cầu về vốn điều lệ. Trong đó, FPT-CA đề xuất mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng. Còn VNPT-CA đề xuất có thêm điều kiện doanh nghiệp phải có kinh nghiệm hoạt động tối thiểu 5 năm trong lĩnh vực CNTT và có năng lực triển khai thành công trên 5 dự án phần mềm/CNTT với doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên để đảm bảo vận hành và duy trì lâu dài hệ thống dịch vụ tin cậy.

Đại diện Viettel-CA kiến nghị nâng mức ký quỹ lên 30 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với mức đề xuất của NEAC và gấp 6 lần so với quy định hiện nay. Lý do đưa ra mức ký quỹ này, theo đại diện Viettel-CA, là để đảm bảo giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra, cũng như thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu. Đơn vị này cũng đề nghị bổ sung quy định về vốn điều lệ với mức tối thiểu 100 tỷ đồng.

Lo ngại vấn đề đảm bảo an toàn cho các hệ thống, lãnh đạo EFY-CA cho rằng dự thảo Nghị định cần bổ sung quy định nhân sự không được làm cùng lúc cho nhiều doanh nghiệp, bên cạnh việc đảm bảo số lượng, chất lượng nhân sự. Trong khi đó, đại diện TrustCA lại kiến nghị có quy định một nhân sự không kiêm nhiệm nhiều vị trí.

Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TT&TT luôn "mở", lắng nghe, đối thoại với cộng đồng để tìm ra tiếng nói chung, lời giải tốt cho các quy định. Chính sách mới trước hết cần hướng tới thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực, sau đó mới đến yêu cầu quản lý và quản lý phải đi theo sự phát triển. Thứ trưởng Phạm Đức Long

Trao đổi tại hội nghị, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, tác động của quy định mới cũng đã góp ý về nhiều vấn đề, nội dung khác của dự thảo Nghị định, như: quy định hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy; việc tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; thời hạn của chứng thư chữ ký số cấp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; hay việc kết nối liên thông...

Đánh giá nhiều ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội rất xác đáng, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, sớm có kiến nghị cụ thể hơn bằng văn bản tới đơn vị soạn thảo.

“Tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét lại lần nữa, với tinh thần là làm sao để có một Nghị định thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra một môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực giao dịch điện tử cũng như hoạt động cung cấp, sử dụng các dịch vụ chữ ký điện tử, dịch vụ tin cậy”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy hiện đang được Bộ TT&TT đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử mic.gov.vn để lấy ý kiến góp ý của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Thời hạn lấy ý kiến sẽ kéo dài đến đầu tháng 4/2024.