Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh cùng các thành viên và Tổ cổng tác giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh.

Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đã qua đi 1/3 chặng đường của năm 2024 - năm bứt phá trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế với việc khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới gồm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đẩy mạnh CĐS quốc gia; phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. 

Chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm, thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến CĐS; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nhân lực phục vụ CĐS; kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số.

Đẩy mạnh CĐS trong thu, chi ngân sách, như: dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách không dùng tiền mặt. 

Thủ tướng khẳng định, CĐS là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Ủy ban Quốc gia về CĐS phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác CĐS quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng cho biết, Ủy ban Quốc gia về CĐS vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024, trong đó xác định trọng tâm của CĐS quốc gia với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Bốn tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS. Đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành Kế hoạch CĐS năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp CĐS trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. 

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch; tổng số tới nay là khoảng 2 tỷ giao dịch. 

Về phát triển hạ tầng số, hiện nay có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng. 100% xã kết nối internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. 

Về phát triển chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, có 80,44% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC mới chỉ đạt khoảng 38,3%. 

Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. 

Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân, đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận. 

Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích, đã có 29,3 triệu lượt truy cập; 100% cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo thanh toán học phí không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân. 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng...

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận đánh giá tình hình triển khai công tác CĐS từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số; chia sẻ những cách làm hay, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; phân tích các bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban, nhất là các giải pháp mang tính đột phá.

Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Yên Bái: Kinh tế số chiếm 12,2% GRDP

Trong năm 2023 và quý I năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục hoàn thiện thể chế CĐS; ban hành Đề án CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2030; ban hành các kế hoạch thực hiện Chiến lược của Chính phủ về phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số; ban hành Kế hoạch số 80 về nhiệm vụ CĐS năm 2024. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về CĐS; đưa 2/3 nhóm chính sách hỗ trợ CĐS theo Nghị quyết số 60 của HĐND tỉnh vào cuộc sống. 

Tỉnh đã duy trì vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng tỉnh; nền tảng liên thông tích hợp dữ liệu LGSP; hệ thống camera giám sát giao thông; hệ thống hội nghị truyền hình đa phương tiện.

Xóa được 34 vùng lõm sóng di động 4G; 100% thôn, bản có điện lưới được phủ sóng di động 4G. Thí điểm phủ sóng 5G tại 3 khu vực trên địa bàn tỉnh. Thí điểm triển khai nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Yên Bái đã tạo lập trên 9.700 tải khoản trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Yên Bái sử dụng nền tảng… 

Qua đó đã góp phần cải thiện thứ hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái năm 2023 với kết quả đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,2% GRDP.

Các mô hình, hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: thương mại điện tử, thanh toán điện tử; hóa đơn/hợp đồng/thuế/ chữ ký điện tử; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Trong lĩnh vực xã hội số, tỉnh ban hành Bộ chỉ tiêu tạm thời công dân số tỉnh Yên Bái gắn với triển khai nền tảng công dân số (YenBai - S); có 200 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; 127 trường học triển khai mô hình trường học CĐS…; trong lĩnh vực du lịch ứng dụng thẻ du lịch thông minh; triển khai hệ thống đài truyền thanh thông minh; bảo tảng số; thư viện số; triển khai thôn, hộ gia đình, dòng họ CĐS; thí điểm mô hình "Bình dân học AI"…

 Theo Thu Trang – Mạnh Cường (Báo Yên Bái)