Tờ Yomiuri trích dẫn nguồn tin giấu tên của chính phủ cho biết, mặc dù Tokyo đã có các truy cập vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo địa tĩnh, song công nghệ Starlink đang được vận hành bởi SpaceX sẽ là một sự bổ sung đối với mạng lưới vệ tinh sẵn có.

Tên lửa Falcon-9 của SpaceX phóng lên từ trung tâm vũ trụ Kennedy (Mỹ) mang theo 53 vệ tinh Starlink hồi tháng 5/2022. (Ảnh: Reuters)

Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách xây dựng mạng lưới liên lạc dẻo dai và linh hoạt trước các nguy cơ gây nhiễu sóng hoặc tấn công vệ tinh trong các kịch bản xung đột xảy ra.

Tờ báo của Nhật cho biết, Lực lượng Phòng vệ nước này đã thử nghiệm Starlink từ tháng 3 với hệ thống được triển khai ở khoảng 10 địa điểm, cũng như phục vụ quá trình huấn luyện của quân đội.

Công nghệ Starlink đang được Ukraine sử dụng rộng rãi trên chiến trường và là mục tiêu ngăn chặn của Nga. Tháng 10 năm ngoái, Elon Musk nói rằng SpaceX không đủ khả năng tài trợ vô thời hạn cho việc sử dụng Starlink ở quốc gia châu Âu.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tháng này lập tức ký hợp đồng dịch vụ vệ tinh Starlink để sử dụng tại Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác toàn cầu nhằm đảm bảo Ukraine có khả năng liên lạc và mạng lưới vệ tinh mà họ đang cần. Liên lạc vệ tinh là một thành phần quan trọng trong mạng lưới liên lạc tổng thể của Kiev, đó là lý do Lầu Năm Góc quyết định ký hợp đồng với SpaceX”, trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ.

(Theo Reuters)