Đồng thời, kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành dựa trên nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung; đồng thời tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) đem lại hiệu quả rõ rệt.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Liên Minh (Vụ Bản).
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Liên Minh (Vụ Bản).

Đến nay, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai số hóa một số thành phần hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành từ năm 2020 và thực hiện chỉnh sửa phần mềm Một cửa điện tử cho phép số hóa hồ sơ và kết quả xử lý TTHC từ ngày 1/6/2023. Trong tháng 3/2024, Chi nhánh đã số hóa và cập nhật mẫu 23 hồ sơ giải quyết TTHC lên phần mềm Một cửa điện tử của NHNN.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan thực hiện việc kết nối chuyên ngành với hệ thống định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, phát triển và ứng dụng trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VNeID để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán không dùng tiền mặt, mở tài khoản… NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán áp dụng các chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với các khách hàng, trong đó ưu tiên khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Đến hết tháng 3/2024, số đối tượng được chi trả qua tài khoản là 33.352 người với số tiền chi trả trong tháng là 37,9 tỷ đồng.

Bám sát kế hoạch của ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang phối hợp với Công an tỉnh triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Bước đầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã và đang triển khai làm sạch, đồng bộ dữ liệu khách hàng; triển khai ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ ngân hàng; triển khai mô hình điểm “Thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường trung học, trung tâm, cơ sở giáo dục; các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng tại 354 trường học trên địa bàn, trong tháng 3/2024, các ngân hàng đã thu hộ 83.824 món với số tiền 52,6 tỷ đồng.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định đã ký kết phối hợp thu tại 11 bệnh viện, cơ sở y tế; trong tháng, các ngân hàng đã thu hộ 1.537 món với số tiền 5,8 tỷ đồng.

Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Mô hình điểm 20 “cho vay tín chấp công dân hộ nghèo, người có công”, đồng thời có văn bản đề nghị Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai các giải pháp làm “sạch” thông tin thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người có công để làm cơ sở triển khai cho vay đối với các đối tượng này.

Nhằm tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, NHNN Chi nhánh tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh giải ngân trực tuyến, ứng dụng CSDLQG về dân cư trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng để cho vay.

Đến nay, đã có 15/25 TCTD thực hiện cho vay trực tuyến qua ứng dụng của các ngân hàng với 5.900 khách hàng, dư nợ 1.892 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn; 16/25 đơn vị đã ứng dụng CSDLQG về dân cư trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng để cho vay dựa trên thông tin của công dân trên app VNeID, trang web dichvucong.gov.vn, kết quả quét mã QR trên CCCD…

Việc triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng tỉnh trên địa bàn cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các nhiệm vụ triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng được thực hiện theo kế hoạch của NHNN Việt Nam, Hội sở các TCTD nên việc xác định nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể trên địa bàn còn gặp khó khăn. Chi phí làm sạch dữ liệu không hề nhỏ đối với toàn bộ khách hàng. Các giao dịch tương tác với thiết bị đọc CCCD gắn chíp có thời gian phản hồi còn chậm, phí giao dịch cao ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.

Việc làm “sạch” dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, áp dụng các giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp, VNeID trong xác thực khách hàng chưa thực hiện được trên toàn bộ các khách hàng do có nhiều người không đến thực hiện tại quầy hoặc đã thay đổi thông tin liên lạc; hoặc ngân hàng đã thông báo nhưng khách hàng không đến cập nhật thông tin. Việc triển khai thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng còn chậm do nhiều trường học, bệnh viện chưa có hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa, khó kết nối để thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện, trường học chưa sẵn sàng áp dụng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt vì lo ngại về các thủ tục, quy định của pháp luật, phí dịch vụ ngân hàng. Đối với việc triển khai thực hiện Mô hình điểm 20, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa có CSDL về hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công đã được làm “sạch”. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đang thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND cấp xã xác nhận.

Để tiếp tục triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện bám sát theo chỉ đạo và hướng dẫn của NHNN Việt Nam việc kết nối CSDLQG về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN Việt Nam.

Nắm chắc lộ trình và kết quả triển khai của ngành Ngân hàng trong việc kết nối CSDLQG về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc ứng dụng xác thực người dân qua thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng phần mềm VNeID khi cung cấp dịch vụ ngân hàng; việc kết nối, khai thác CSDLQG về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao theo các Kế hoạch của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, đặc biệt là mô hình điểm “Thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường trung học, trung tâm, cơ sở giáo dục; các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh” và mô hình điểm “Triển khai cho vay tín chấp công dân: hộ nghèo, người có công” theo Kế hoạch số 64/KH-TCTTKĐA ngày 31-10-2023 của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số.

Đức Toàn (Báo Nam Định)