Sự nghèo đói, khổ sở của hai người đàn bà, chị Hiền và bà Bình ở xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã khiến cho họ trở nên nổi tiếng. Dù họ chẳng muốn vậy.

Chồng chết, chẳng để lại gì ngoài đứa con thơ. Ngày giỗ, chị Hiền chỉ biết đưa con sang nhà bà nội để thắp hương, vì chị chẳng thể lập được chiếc bàn thờ cho chồng mình.

Còn bà Bình, dù đã ở vào cái tuổi thập cổ lai hy nhưng vẫn chưa từng được sống trong ánh đèn điện. Ngôi nhà của bà chỉ có duy nhất một thứ có giá trị. Đó là bức hình của đứa cháu trai cưỡi trên chiếc xe máy được đóng khung treo trên cột nhà không còn trụ.

Những cái đó đã khiến họ trở nên "nổi tiếng" ở vùng quê nghèo Đức Giang. Nơi mà mỗi năm có ít nhất 5 cơn lũ “ghé thăm”.

Đến bàn thờ chồng cũng không có

Chúng tôi trở lại Vũ Quang (Hà Tĩnh) khi cùng đoàn cứu trợ của báo VietNamNet về với người dân chịu thiệt hại nặng nề do hai cơn lũ lịch sử vừa qua, những nỗi kinh hoàng về lũ lụt vẫn còn ám ảnh trong mắt mỗi người dân nơi đây.

Chúng tôi được "giới thiệu" về hộ nghèo Nguyễn Thị Hiền ở xã Đức Giang. Chị cán bộ huyện ủy thông tin rằng, có đến mới chứng kiến được nhiều người dân nơi đây khổ như thế nào.

Mô tả ảnh.

Cơm hết, trong nồi chỉ còn một ít lạc trộn với nước mắm dành cho bữa tối, thằng bé con chị Hiền lại khóc. Chắc nó đói, vì từ ngày lũ đến giờ, nó chưa được bữa nào no.

Con đường dẫn vào nhà chị Hiền ở xóm Cẩm Trang vẫn hằn in những dấu chân trên lớp bùn non nhầy nhụa do trận lũ vừa qua mang lại.

Nhà chị, gọi là thế vì nó vẫn là nơi trú ngụ của hai mẹ con chị, được dựng trên những cái cột kèo chỉ lớn hơn cổ tay người lớn một chút, chẳng biết làm sao vẫn đứng được trong 2 trận lũ vừa qua.

Trên nền nhà, cháu Trần Văn Chung (5 tuổi) con chị Hiền vẫn đang ngồi cạnh chiếc nồi đã không còn cơm, chỉ còn 1/3 bát nước mắm với lạc rang để dành cho bữa tối. Dường như đứa trẻ vẫn còn đói nên cứ khóc ngằn ngặt.

Nhìn con khóc vì đói, chị Hiền cũng khóc. Nhưng nước mắt không chảy, chỉ thấy đôi mắt đỏ hoe, sưng mọng vì mất ngủ. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu chị khóc thương cho hoàn cảnh góa bụa nuôi con khi chồng đã về với thế giới bên kia!

Sau cơn bạo bệnh, chồng chị, anh Trần Văn Đoàn đã bỏ hai mẹ con ra đi khi cháu Chung vẫn chưa đến tuổi mẫu giáo. Chồng chết, để lại những khoản nợ trong thời gian chữa trị lên đôi vai chị Hiền.

Chẳng có việc làm, ngày ngày chị đành phải gửi con cho bà nội trông, đi làm thuê bất cứ việc gì để kiếm được mấy nghìn đồng mua gạo nuôi con cho qua ngày đoạn tháng.

Chị ôm mặt khóc khi nói về chồng: "Chẳng có bàn thờ, ngày giỗ tết, tôi đưa con qua nhà bà nội để thắp hương cho bố nó".

Mô tả ảnh.

Hai mẹ con sống dựa vào nhau trong túp lều tranh sắp sập vì ngấm nước lũ. Ngày giỗ tết, chị Hiền chỉ biết đưa con qua nhà bà nội để nó thắp hương cho bố nó. Trong nhà chị chẳng có bàn thờ thờ chống.

Trong ánh điện tù mù của bóng đèn bé như trái cau, tôi quan sát được những tài sản mà chị có. Ngoài đứa con ra, tài sản của chị chỉ là 3 chiếc nồi nấu ăn, mấy cái bát đũa đã sứt mẻ và chiếc giường đã cũ nát. Nhắc đến trận lũ vừa qua khi hai mẹ con phải ôm nhau chạy cả đêm, chị lại thấy tiếc vì bị trôi mất chiếc tủ gỗ đặt giữa nhà. Chị kể, đó là tài sản lớn nhất của hai mẹ con dùng để đựng thực phẩm, cơn lũ ập đến trong đêm đã cuốn đi mất.

“Những ngày lũ vừa qua, hai mẹ con phải chạy qua nhà bà nội tạm trú. Khi con nước dữ rút dần, trở về dọn dẹp thì chẳng còn gì. Được mấy kg gạo dự trữ thì cũng bị ngâm trong nước. Tôi phải đi xin hàng xóm từng lon gạo để nấu cho con ăn. Riêng tôi thì vẫn nấu gạo ngâm nước lũ để ăn. Rất may là nhà vẫn chưa bị trôi, nhưng rồi cũng chẳng biết sập lúc nào. Nhà tranh, vách đất ngâm trong nước lũ giờ cũng đã mềm như bùn non”, chị thảng thốt.

Mô tả ảnh.

Người dân Hà Tĩnh đang rất cần những tấm lòng thơm thảo của đồng bào cả nước chia sẻ hoạn nạn sau 2 trận lũ lịch sử...

Món quà ít ỏi của những người đến thăm hai mẹ con chắc chỉ đủ cho họ sống tốt trong thời gian tới. Nhưng rồi chẳng biết họ sẽ sống như thế nào khi đứa trẻ vẫn đang phải khóc sau mỗi bữa ăn vì đói, trong ngôi nhà đang đe dọa tính mạng của họ hàng ngày?

"Nổi tiếng" nhờ… nghèo!

Ở Đức Giang còn có một gia đình khác cũng nghèo đến mức "nổi tiếng". Nhắc đến bà Bình ở thôn Văn Giang thì người dân ở đây liền nói: Họ là tận cùng của cái khổ!

Phải vất vả lắm chúng tôi mới vào tìm đến ngôi nhà của người đàn bà nổi tiếng vì nghèo này. Nhà bà Đặng Thị Bình tọa lạc trên vạt đất chừng 100m2 vắt vẻo trên triền núi cạnh con sông Ngàn Sâu.

Nhà bà Bình không còn thuộc diện “tranh tre nứa lá” cách đây đã 7 năm theo chương trình xóa nhà tranh tre nứa lá được triển khai tại Hà Tĩnh. Túp lều tranh xiêu vẹo được thay thế bằng ngôi nhà lợp ngói. Nhà chỉ rộng chừng 30m2, chẳng có tường, xung quanh nhà được che lại bằng những tấm phên đã cũ nát. Cũng chẳng biết đâu là cửa ra vào, chỉ có một khoảng trống phía trước để có thể phân biệt ngoài trời và trong nhà.

Mô tả ảnh.
Người đàn bà nổi tiếng ở xã Đức Giang - bà Đặng Thị Bình. Trong nhà chỉ có 3 thứ mà bà cho là quý giá: Bàn thờ chồng, nồi niêu và... bức ảnh của đứa cháu.

Cuộc đời của người đàn bà Đặng Thị Bình là chuỗi ngày dài sống trong nghèo túng. Dường như đối với bà, cái nghèo đã trở thành một thứ tài sản gắn liền với cuộc đời đầy bất hạnh.

Chồng chết sớm, một tay bà nuôi con lớn lên bằng nghề làm thuê bất cứ thứ gì. Rồi một ngày định mệnh, người con gái về thông báo với bà rằng, chị đang mang thai. Hỏi có thai với ai, con bà chẳng nói, bà biết cái gì đã xẩy ra với gia đình mình.

Ngày ngày, tấm thân héo mòn của bà lại leo lên những quả đồi, tìm kiếm những thứ gì có thể bán được để về nuôi con, chờ ngày đứa cháu ra đời. Ruộng chẳng có, mức hỗ trợ thường xuyên của nhà nước thời điểm đó chỉ được 15.000/ tháng, bà chẳng thế lý giải nổi tại sao bà, con bà, cháu bà lại có thể vượt qua và sống đến bây giờ.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Trong 60 năm sống trên đời, bà chưa từng được biết đến ánh sáng của đèn điện.

Cố gắng quan sát kỹ tôi mới có thể nhìn được một số vật dụng trong nhà bà. Bà Bình chưa bao giờ được sống trong ánh đèn điện, chỉ nhìn thấy ánh sáng bừng lên trong những căn nhà của hàng xóm.

Trong nhà chẳng có vật dụng gì liên quan đến điện. Chắc những thứ quý giá nhất là bức ảnh của đứa cháu, chiếc bàn thờ chồng được làm bằng mấy thanh tre và chiếc thúng đen sì đựng nồi niêu được treo ngay giữa nhà.

Hai trận lũ vừa qua, nước không ngập vào trong nhà bà. Nhưng nó lại chia cắt 3 mẹ con bà cháu với thế giới bên ngoài. Bà nhớ lại những ngày phải chạy từng bữa xin cơm cho cháu vì nước lũ lên, bà chẳng thể làm được gì và trong nhà cũng chẳng có gì tích trữ để ăn. Hàng tháng bà nhận được sự hỗ trợ của nhà nước 120.000, nhà có 3 miệng ăn, số tiền đó chẳng đủ để làm gì.

Mô tả ảnh.

Chắc tối nay 3 bà cháu mẹ con sẽ có được bữa cơm ấm lòng khi nhận được tiền và gạo cứu trợ của độc giả báo VietNamNet tặng. Nhưng rồi chẳng ai trong chúng tôi biết sắp tới cuộc sống của những con người đau khổ này như thế nào?

60 năm trong cuộc đời cũng là chừng ấy thời gian bà chứng kiến mọi khổ đau đến với gia đình mình. Đứa cháu trai ra đời, lớn lên khỏe mạnh chính là niềm an ủi lớn nhất của bà. Nhắc đến cháu, bà liền khoe với chúng tôi bức hình chụp cháu đang ngồi trên chiếc xe máy được đóng khung treo trên cột nhà. Bà Bình cười tươi khi nhắc đến cháu, nhìn bà cười tôi lại liên tưởng đến câu ngạn ngữ “tận cùng của hạnh phúc là nước mắt, tận cùng của đau khổ là nụ cười”.

Rời nhà bà khi chập choạng tối, những ngôi nhà xung quanh đã phủ kín khói từ những bếp lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối. Tôi nán lại trước sân một lúc, nhìn vào, thấy bà đang thắp đèn, lấy gạo nấu cơm chờ đứa cháu đi học về.

Chắc tối nay 3 bà cháu mẹ con sẽ có được bữa cơm ấm lòng khi nhận được tiền và gạo cứu trợ của độc giả báo VietNamNet tặng. Nhưng rồi chẳng ai trong chúng tôi biết sắp tới cuộc sống của những con người đau khổ này như thế nào?

  • Duy Tuấn – Hoàng Sang – Trí Thức – Trường Minh