Thông tin được Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong Thương mại điện tử Việt Nam” diễn ra hôm nay, 29/11.

Ông Linh dẫn chứng, đầu tháng 11, tại Gia Lai, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, có ngày chốt hàng nghìn đơn.

nuoc hoa 1 1312.jpeg
Bạt ngàn thương hiệu nước hoa nổi tiếng thế giới nằm la liệt trên nền nhà bị thu giữ (Ảnh QLTT)

Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) đã mất hàng nghìn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt "hàng hiệu" giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

"Hiện hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bày bán tràn lan như trước đây. Sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng. Các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng", ông Linh nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh. Mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng có liên quan.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Đối với lực lượng QLTT, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng QLTT đang thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Theo đó, lực lượng QLTT ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm.

Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Cùng với đó nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.