Chiều 24/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Masahiko Metoki, Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).

Tham dự buổi làm việc có các quan chức UPU cũng như đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Ông Masahiko Metoki là Tổng Giám đốc UPU đầu tiên đến thăm khu vực châu Á. Ông bày tỏ mong muốn thực hiện chuyến thăm đến nhiều nước để lắng nghe nhu cầu của các quốc gia thành viên.

W-bt-nguyen-manh-hung-2087-1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc UPU Masahiko Metoki và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Phạm Hải)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ những thành tựu mà lĩnh vực bưu chính Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết khoảng 10 năm gần đây, bưu chính Việt Nam đạt tăng trưởng cao và theo xu thế hiện thời, đến năm 2030, doanh thu bưu chính rất có thể lớn hơn doanh thu viễn thông.

Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của bưu chính đến từ thương mại điện tử (TMĐT), cũng như sự năng động của các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân.

“Việt Nam có một số doanh nghiệp bưu chính tư nhân chuyển đổi số mạnh mẽ, cơ bản dựa trên công nghệ số, gần 30% nhân lực là nhân lực công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhắc đến những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp bưu chính nhà nước. Bộ TT&TT đang có chiến lược để thúc đẩy doanh nghiệp bưu chính nhà nước chuyển đổi số mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn chia sẻ về đóng góp của doanh nghiệp bưu chính trong các lĩnh vực như chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ công, đào tạo kỹ năng số đến từng hộ gia đình ở địa phương nhờ mạng lưới có sẵn, rộng lớn, rất gần người dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều câu chuyện thành công trong bưu chính, cả nhà nước lẫn tư nhân, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện như vậy với UPU. Việt Nam cũng ủng hộ UPU và các sáng kiến của liên minh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Việt Nam xác định hạ tầng bưu chính cũng quan trọng như hạ tầng viễn thông. Hạ tầng viễn thông đảm bảo dòng chảy dữ liệu, bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất. Dòng dữ liệu càng lớn, dòng vật chất càng lớn.

Hạ tầng bưu chính cần được các nước quan tâm hơn nữa. Bộ trưởng mong muốn UPU có nhiều báo cáo tổng hợp kinh nghiệm bưu chính của các nước để chia sẻ cho thành viên, cũng như có các chuyên gia về lĩnh vực bưu chính đến tổ chức hội thảo.

W-bt-nguyen-manh-hung-1958a-3.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc của Bộ TT&TT với đoàn công tác UPU (Ảnh: Phạm Hải)

Tại buổi làm việc này, Tổng Giám đốc UPU cho biết rất nhiều nước hiện nay mới chỉ tập trung vào phát triển CNTT mà bớt đi phần quan tâm đến bưu chính. Chính vì vậy, ông đánh giá Việt Nam đã đưa ra quyết định hết sức quan trọng là đầu tư cho hạ tầng bưu chính. Viễn thông và bưu chính cần có sự phát triển song song vì hai luồng vật lý và dữ liệu sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

“Hơn 10 năm trước, chúng ta nghĩ Internet là kẻ thù của bưu chính nhưng ngày nay, chúng ta đang thụ hưởng lợi ích của Internet và qua đó phục vụ TMĐT”, Tổng Giám đốc UPU nhận xét. Ông chỉ ra, các dịch vụ mang tính vật lý cần giải pháp CNTT để thực hiện, song về mặt vật lý, vẫn cần sự hỗ trợ của con người. Như vậy, chúng ta có thể tận dụng CNTT như công cụ để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

Ngoài ra, ông cũng ấn tượng vì Việt Nam không chỉ có ý định chuyển đổi số ngành bưu chính mà cả chính phủ. Chuyển đổi số rất quan trọng, không chỉ vì sự phát triển của riêng bưu chính mà cả của quốc gia.

Hầu như tất cả các nước đều đang gặp khó khăn trong việc tìm cách chuyển đổi số phù hợp với đất nước của mình. UPU có thể đưa ra khuyến nghị, kiến thức mà mình có cho các nước.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh giai đoạn này là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp bưu chính. Đây là trách nhiệm và cơ hội rất lớn để chúng ta đổi mới UPU. Với sự lãnh đạo của ông Metoki, Bộ trưởng tin rằng UPU sẽ tận dụng cơ hội để đưa ngành bưu chính đến giai đoạn phát triển mới.