Bố ơi, bố ra đi mà không để lại cho con một lối thoát. Bố muốn con chết vì nợ nần hay sao? Cũng là máu mủ của bố sao bố lại tuyệt tình tuyệt nghĩa với con như thế, sao bố lại ra đi thương người dưng hơn con cơ chứ...

Chết rồi mà vẫn bị con hận

Tiếng khóc ai oán của người con trai thứ hai nhà ông T khiến cho những người đi dự đám tang hôm ấy không khỏi ngán ngẩm. Lẫn trong tiếng khóc hờ của con cháu là tiếng người ta bàn tán xì xào về "nỗi niềm" mà anh con trai kia đang bày tỏ.

Ông T vốn có bốn người con trai. Cách đây 6 năm, vợ ông bạc phước mất đi để lại cho ông sự cô đơn lẫn nỗi niềm khó xử khi các con đòi bố chia phần đất đai. Vợ chồng ông ngay từ đầu đã xác định, số đất tổ tiên để lại cộng với số đất mà ông bà tạo dựng được từ ngày lấy nhau đến nay sẽ chia làm 5 phần. Bốn phần cho bốn người con trai, phần thứ năm là của ông bà. Số đất này ông bà sẽ dùng để dưỡng già, sau này họ ở với ai thì người đó sẽ được bố mẹ phụ thêm vào.

Đúng là đồng tiền đi liền khúc ruột, yêu vì di chúc và ghét cũng vì di chúc...

Bốn đứa con lập gia đình, ông bà chia luôn phần đất cho các con. Trong bốn người con thì ông bà hợp tính nhất với cô con dâu thứ hai nên họ quyết định sẽ dọn về sống chung. Mảnh đất và ngôi nhà mà ông bà đang sống sẽ cho thuê, tiền ấy ông bà sẽ dùng để chi tiêu cho bản thân cũng như phụ giúp cho vợ chồng con trai thứ hai.

Chuyện đã được công khai rõ ràng minh bạch, mấy người con kia cũng không có ý kiến gì phản đối. Ngày đó, ông bà T từ chối về sống với con trai cả vì ông bà thương cô con dâu thứ hai hiền lành, tốt bụng lại gặp người chồng không ra gì. Ông bà biết rõ con trai mình lười lao động, mê cờ bạc, gái gú. Cũng may, cô vợ chịu thương chịu khó, tảo tần nuôi con chu đáo, lại phụng dưỡng bố mẹ chồng đến nơi đến chốn. Ông bà dọn về sống cùng phần để đỡ đần con dâu, phần góp ý khuyên can con trai.

Nhưng người con ấy vẫn không hiểu thấu lòng cha mẹ, bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của vợ hiền càng ngày càng đắm chìm vào lô đề. Một ngày, anh ta bảo cả nhà dọn về bên nhà bố mẹ ở vì ngôi nhà và mảnh đất ấy đã bị anh ta gán nợ. Tưởng con nói đùa, ai ngờ chưa đầy ba hôm sau thì chủ nợ đến lấy nhà đất thật.

Ông bà đành cho vợ chồng con trai về sống cùng trên mảnh đất và ngôi nhà cũ. Tưởng sau lần ấy, anh ta sẽ chừa ai ngờ vẫn chứng nào tật nấy, nợ nần ngập đầu, lại ra ngoài theo gái về nhà đòi bỏ vợ. Cô con dâu cũng chịu không nổi nên đã đồng ý ly hôn. Thương hai đứa cháu còn nhỏ, ông bà T bảo ly hôn xong anh con trai kia cứ theo bồ nhí sống thế nào thì sống, còn con dâu và cháu nội cứ sống cùng ông bà, không là con dâu thì sẽ là con gái ông bà.

Cô con dâu cảm kích tấm lòng của bố mẹ chồng đã đồng ý ở lại và tiếp tục tảo tần nuôi con. Được một thời gian, anh con kia bị bồ bỏ lại quay về ăn bám bố mẹ và vợ cũ. Trước khi bà T mất, ông bà đã âm thầm lập một bản di chúc, để lại toàn bộ mảnh đất và ngôi nhà đang ở cho con dâu cũ và hai đứa cháu. Để cho chắc chắn, ông T còn bảo cô con dâu lặng lẽ đi làm thủ tục sang tên mình. Mọi việc diễn ra trong bí mật, cho đến ngày ông T biết mình sắp mất đã họp gia đình và đưa bản di chúc ra. Dù không đồng ý nhưng ý ông đã quyết nên chẳng ai dám công khai đòi lại.

Chỉ có anh con trai thứ hai oán hận bố mẹ không ngớt. Anh ta dự tính sau khi ông bà mất sẽ đuổi cô vợ cũ ra khỏi nhà rồi bán mảnh đất ấy lấy tiền trả nợ. Trong thâm tâm anh ta nghĩ rằng những anh em còn lại đều nhà cao cửa rộng, chỉ có mình anh ta là thua bạc không còn mảnh đất cắm dùi thì đương nhiên mảnh đất ấy sẽ được ông bà để lại cho.

Không ngờ, ông bà kiên quyết cho con dâu chứ không để lại cho anh ta. Vậy nên mới có chuyện trong đám tang, anh con trai kia vẫn không ngớt buông lời oán hận bố. Anh ta bảo sẽ oán hận bố mẹ cả đời vì thương người dưng hơn con đẻ.

Được di chúc hưởng thừa kế nếu không tái giá!

Anh chị em trong nhà xích mích với nhau cũng chỉ vì chuyện chia đất cát

7 năm làm dâu, chị M chỉ được sống cùng chồng 5 năm. Mỗi khi kể lại chuyện cuộc đời mình, chị đều khiến cho nhiều người phải xót xa. Lấy nhau về gần ba năm mà vẫn không có con, chị M vẫn cùng chồng miệt mài chạy đông chạy tây để chữa trị. Chị chưa kịp vui mừng vì thầy lang bảo uống hết số thuốc ấy vợ chồng chị nhất định sẽ có con thì trong một lần ốm, bệnh viện phát hiện chồng chị bị ung thư. Vậy là sau hai năm điều trị, chồng chị ra đi để lại cho chị cuộc đời góa bục khi còn quá trẻ.

Hai năm sau ngày chồng mất, chị M được mọi người đánh tiếng nên đi bước nữa,không nên sống cô quả như thế hết đời. Chị chưa kịp nghĩ đến vấn đề ấy thì gia đình chồng mang đến một tờ di chúc được lập sẵn của bố mẹ chồng. Trong tờ di chúc ấy ghi rằng nếu ông bà mất đi thì mảnh đất và ngôi nhà chị đang ở (vốn mang tên ông bà từ trước) sẽ được dùng làm nơi thờ cúng chồng chị trong trường hợp chị vẫn ở vậy thờ chồng.

Chị có quyền được giữ hay bán tùy ý miễn là có nhà để thờ cúng chồng sau này, còn nếu chị tái giá thì nó sẽ được chia đều cho ba anh chị em chồng chị. Phần chị là con dâu không được hưởng quyền thừa kế, chồng chị đã mất nên ông bà cũng không chia thừa kế cho. Vì vậy, chị sẽ không được hưởng gì từ mảnh đất và ngôi nhà ấy.

Chị M hụt hẫng, 7 năm làm dâu, 5 năm làm vợ, chị chưa được hưởng một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Nay chị không may mắn góa chồng ở tuổi 29, chẳng lẽ suốt cả cuộc đời chị sẽ không tái giá, chịu cảnh cô đơn để thờ chồng và giữ mảnh đất cho nhà chồng. Còn không, chị sẽ ra đi tay trắng? Giá như có được đứa con trước khi chồng mất thì chị cũng cam lòng ở vậy nuôi con thờ chồng, đằng này...Chị cám cảnh nhìn tờ di chúc, đúng là con dâu khác máu tanh lòng, ngay cả cái điều ấy mà nhà chồng chị cũng nghĩ ra và đề phòng trước.

Yêu vì di chúc, ghét cũng vì di chúc

Từ ngày ông Cảnh lên xã chứng thực tờ di chúc của mình thì ngay lập tức ông bị con cái đưa lên hai hàng chiến tuyến. Hàng thứ nhất là yêu, chiều và săn đón bố như... ông hoàng. Hàng thứ hai là hết lời oán trách cũng như xa lánh bố. Ông Cảnh bảo đúng là có lập di chúc thì mới biết được con cái đứa nào yêu, đứa nào ghét mình thật sự.

Tuy nhiên, khi sống với những đứa con yêu chiều mình, lòng ông cũng buồn chẳng khác gì nỗi buồn bị những đứa con... ghét bỏ. Bởi ông biết rõ, nếu trong tờ di chúc kia ông ghi ngược lại thì cái sự yêu ấy cũng có thể đảo chiều nhanh chóng.

Vốn là người cổ hủ, mang tư tưởng con trai bao giờ cũng là nhất, con gái là con người ta. Vậy nên, ông có hai đứa con trai, hai đứa con gái. Hai đứa con trai lấy vợ xa nhà: đứa thì có nhà riêng ở trên phố, đứa về sống nhà vợ vì gia đình thông gia không có con trai. Hai đứa con gái, ông gả chồng gần. Từ lúc con trai lớn lên đi học rồi lấy vợ lập nghiệp xa nhà, mọi chuyện ông bà đều nhờ cậy hai đứa con gái lấy chồng gần đấy là phần nhiều.

Thế nhưng, từ ngày tuổi già ập đến, lại có bệnh, để phòng xa, ông tính chuyện lập di chúc. Thời điểm mà ông nghĩ đến chuyện ấy cũng là lúc đất nơi ông đang ở có giá. Tấc đất biến thành tấc vàng, đứa con nào cũng nghĩ thế nào bố mẹ cũng chia đều vì thời đại này con trai cũng như con gái. Không ngờ, trong tờ di chúc ông chỉ nói đến hai đứa con trai, còn hai đứa con gái ông chỉ cho một ít tiền đền bù hoa màu ruộng đất với lý do "con gái là con người ta".

Điều oái oăm là trong xã chỉ có mỗi mình ông là mang tư tưởng ấy. Thời điểm đất có giá, nhiều gia đình chia đất cho con cái, con trai được 6 phần thì con gái cũng được 4 phần hoặc ít nhất là 3 phần. Căn cứ vào số đất ông Cảnh đang có thì chỉ một phần thôi cũng đáng giá tiền tỷ. Vậy mà ông chỉ cho hai đứa con gái có mấy chục triệu. Hai người con trai thì hỉ hả ra mặt, hết người này đến người khác thay nhau đón ông lên phố sống cùng. Hai cô con gái hàng ngày ra mộ mẹ than khóc vì sự bất công của bố. Và rồi lên phố ông Cảnh sống không hợp với con dâu nên lại quay về quê.

Thế nhưng lần quay về này, ông không được hai con rể và con gái chào đón, quan tâm như xưa nữa. Họ bảo, ông lập di chúc chia hết tài sản cho con trai thì cứ theo con trai mà sống, còn họ chỉ là... con người ta. Bởi vậy mới có chuyện, đứa con gái cả lấy chồng gần nhà nhưng bố ốm đau cả tuần liền vẫn không đến thăm nom một lần. Ông Cảnh đắng lòng hóa ra, cái sự yêu ghét nó lại liên quan đến tờ di chúc cho và không cho nhiều như thế. Đúng là đồng tiền đi liền khúc ruột, yêu vì di chúc và ghét cũng vì di chúc...

Theo Nguyễn Huyền
ĐSGĐ