Tôi đã choáng váng. Chiếc máy bay đó chắc phải có một phi công tồi tệ nhất trên thế giới. Làm thế nào mà hắn có thể đâm vào một tòa nhà chọc trời giữa ban ngày được? - Tuần Việt Nam trích đăng Hồi kí của cựu Thổng thống Mỹ G.W.Bush về ngày 11/9/2001.

Phản ứng đầu tiên của tôi là sự phẫn nộ. Có kẻ đã dám tấn công Hoa Kỳ. Hắn sắp phải trả giá. Rồi tôi nhìn những gương mặt trẻ thơ trước mặt. Tôi nghĩ đến sự tương phản giữa cái tàn bạo của những kẻ tấn công kia với sự ngây thơ của những đứa trẻ này. Hàng triệu người như chúng sẽ sớm đặt niềm tin rằng tôi bảo vệ họ. Tôi đã quyết tâm sẽ không để họ phải thất vọng.

Trích: Lời giới thiệu

Trong những năm cuối nhiệm kì Tổng thống, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc viết hồi kí.

Tôi quyết định không viết đầy đủ mọi thứ về cuộc đời mình. Thay vì vậy, tôi đã kể về khoảng thời gian ở Nhà Trắng của mình bằng việc tập trung vào phần quan trọng nhất của công việc: đưa ra các quyết định.

Trong những trang sau đây, tôi đã cố gắng hết sức để viết về những quyết định đúng cũng như những quyết định sai lầm của mình và những thứ tôi sẽ làm khác đi nếu có cơ hội. Tất nhiên, ở cương vị Tổng thống, không có những thứ có thể làm lại. Bạn buộc phải làm những điều mà bạn tin là đúng và chấp nhận những hậu quả của chúng. Tôi đã cố gắng để làm điều này mỗi ngày trong suốt 8 năm tại nhiệm của mình. Được phục vụ như một Tổng thống là vinh dự của cả một đời. Và tôi rất biết ơn bạn đọc đã cho tôi một cơ hội để chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Chương 5: Ngày khói lửa

Thứ Ba ngày 11 tháng 9 năm 2001...

Khoảng 08:00, tôi nhận được bản tóm tắt hàng ngày cho Tổng thống (PDB). Các PDB tổng hợp các thông tin tình báo cao cấp với các phân tích chuyên sâu về địa chính trị, là một trong những phần hấp dẫn trong ngày. Bản tóm tắt của ngày 11/09 được cung cấp bởi nhà phân tích CIA sáng giá Mike Morell, bao gồm (các thông tin về) Nga, Trung Quốc, và cuộc nổi dậy của người Palestine ở khu bờ Tây và Dải Gaza.

Ngay sau PDB, chúng tôi có một chuyến viếng thăm trường tiểu học Emma E. Booker nhằm nêu bật cải cách giáo dục.

Trên đường đi bộ ngắn từ đoàn xe đến lớp học, Karl Rove nói rằng một chiếc máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ. Tôi đã hình dung ra một chiếc máy bay có cánh quạt nhỏ bị mất lái. Sau đó, Condi gọi. Tôi đã nói chuyện với cô ấy qua điện thoại an toàn trong một lớp học... Condi báo với tôi rằng những chiếc máy bay vừa tấn công tòa tháp Trung tâm Thương mại không phải là một máy bay hạng nhẹ.

Đó là một chiếc máy bay thương mại chở hành khách. Tôi đã choáng váng. Chiếc máy bay đó chắc phải có một phi công tồi tệ nhất trên thế giới. Làm thế nào mà hắn có thể đâm vào một tòa nhà chọc trời giữa ban ngày được? Chắc là hắn đã bị đau tim rồi. Tôi nói với Condi cần đặt chuyện này ở mức tình trạng báo động và yêu cầu giám đốc truyền thông của tôi, Dan Bartlett, để thảo ra một tuyên bố hứa sẽ hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ quản lý liên bang khẩn cấp.

Tôi đã gặp Hiệu trưởng trường Booker, một người phụ nữ thân thiện tên là Gwen Rigell. Cô giới thiệu tôi với cô giáo Sandra Kay Daniels và lớp Hai đông đúc của cô giáo. Cô Daniels hướng dẫn cả lớp qua một bài đọc. Sau đó vài phút, cô ấy bảo học sinh lấy sách bài tập của chúng ra. (Lúc đó), tôi cảm thấy có ai đó ở phía sau. Andy Card ghé sát tai tôi thì thầm: "Một chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp thứ hai," ông nói, cố tình phát âm từng từ một theo giọng Massachusetts của ông. "Nước Mỹ đang bị tấn công".

Tôi nhìn thấy các phóng viên ở phía cuối lớp đang nghiên cứu tin tức qua điện thoại di động và máy nhắn tin. Bản năng mách bảo. Tôi biết phản ứng của mình sẽ được ghi lại và phát đi khắp thế giới. Cả đất nước sẽ bị sốc, Tổng thống không thể như thế được. Nếu tôi lao ra ngoài vội vã sẽ khiến những đứa trẻ hoảng sợ và tạo ra một làn sóng hoảng loạn trong cả nước. Bài đọc vẫn tiếp tục, nhưng tâm trí của tôi đã vượt xa khỏi lớp học.

Ai có thể đã làm điều này? Thiệt hại lớn đến mức nào? Chính phủ cần phải làm gì?

Thư ký báo chí Ari Fleischer đứng giữa các phóng viên và tôi. Ông giơ tay ra dấu: "Đừng nói gì cả." Tôi cũng không định nói gì. Tôi đã sắp xếp một kế hoạch hành động: Khi bài học kết thúc, tôi sẽ rời lớp học một cách thật bình tĩnh, tập hợp các sự kiện, và phát biểu trước cả nước.

Khoảng bảy phút sau khi Andy vào lớp học, tôi quay lại phòng tổ chức, ai đó đã đẩy một chiếc TV vào phòng. Tôi đã xem một cách sợ hãi những thước phim quay chậm cảnh chiếc máy bay thứ hai tấn công tòa tháp phía Nam. Quả cầu lửa khổng lồ và sự bùng nổ của khói còn khủng khiếp hơn những gì tôi đã tưởng tượng. Cả đất nước sẽ rung chuyển, và tôi cần phải xuất hiện trên TV ngay lập tức. Tôi viết vội bài diễn văn.

Tôi muốn khẳng định với người dân Mỹ rằng chính phủ đã có phản ứng và chúng tôi sẽ đưa thủ phạm ra trước công lý. Sau đó, tôi muốn quay trở lại Washington một cách nhanh nhất có thể.

"Thưa quý vị, đây là giờ phút khó khăn đối với nước Mỹ," Tôi mở đầu."... Hai máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới trong một cuộc khủng bố tấn công rõ ràng vào đất nước chúng ta." Những tiếng thở khó khăn từ phía khán giả là phụ huynh và các thành viên hội đồng, những người đang mong chờ sẽ được nghe một bài phát biểu về Giáo dục. "Chủ nghĩa khủng bố chống lại đất nước chúng ta sẽ không có chỗ dung thân," tôi nói. Tôi khép lại bài phát biểu bằng việc yêu cầu một phút tưởng niệm dành cho các nạn nhân.

Sau lúc đó, tôi nhận ra những lời nói của mình vừa lặp lại lời hứa của Bố rằng "những kẻ xâm lược sẽ không có chỗ dung thân" vào thời điểm sau khi Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait. Đây là sự lặp lại không hề cố ý. Trong bản ghi chép của mình, tôi đã viết, "Chủ nghĩa khủng bố chống lại Mỹ sẽ thất bại." Những lời nói của cha có lẽ đã chôn chặt trong tiềm thức của tôi và chờ đợi để trỗi dậy vào thời điểm cuộc khủng hoảng khác.

Các mật vụ muốn đưa tôi ra chiếc Air Force 1 nhanh chóng. Khi đoàn xe xuống đường Florida 41, tôi gọi cho Condi từ điện thoại an toan trong xe limo. Cô cho biết đã có một tai nạn máy bay thứ ba, lần này nhằm vào Lầu Năm Góc. Tôi ngồi tựa lưng vào ghế và cố hấp thụ từng lời của cô ấy. Suy nghĩ của tôi đã sáng tỏ: Chiếc máy bay đầu tiên có thể đã được một tai nạn. Chiếc thứ hai chắc chắn của một cuộc tấn công. Chiếc thứ ba là một lời tuyên chiến. Máu của tôi sôi lên. Chúng ta sẽ tìm ra kẻ đã gây ra chuyện này, và đá vào mông hắn.

Ở sân bay, có thể nhìn thấy rõ đã chuyển sang thời chiến. Các nhân viên ôm súng trường bao quanh Air Force 1. Hai trong số các tiếp viên đứng ở đầu cầu thang. Gương mặt của họ hiện lên nỗi sợ hãi và buồn bã. Tôi biết hàng triệu người Mỹ cũng đang cảm thấy như thế. Tôi ôm lấy các tiếp viên và bảo họ mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Tôi bước vào cabin Tổng thống và yêu cầu được ở một mình. Tôi nghĩ về sự sợ hãi của những hành khách trên những chuyến bay kia và nỗi đau mà các gia đình thiệt mạng đang gánh chịu. Quá nhiều người đã mất đi người thân của mình mà không hề được báo trước. Tôi cầu Chúa sẽ xoa dịu những nỗi đau và dẫn lối cho quốc gia vượt qua thử thách này. Tôi nghĩ đến những câu hát trong một trong những bài thánh ca yêu thích của mình, "Ân Chúa và Vinh Quang của Chúa": "Ban cho chúng ta sự khôn ngoan, ban cho chúng ta lòng can đảm, để đối mặt với những giờ phút này."

Trong khi cảm xúc của tôi có thể giống như của hầu hết mọi người dân Mỹ, thì trách nhiệm của tôi không như vậy. Sẽ có thời gian sau đó để tỏ lòng thương tiếc. Sẽ có cơ hội để kiếm tìm công lý. Nhưng điều trước tiên tôi phải quản lý khủng hoảng. Chúng tôi đã bị tấn công một cách bất ngờ và khủng khiếp nhất kể từ sau trận Trân Châu Cảng. Một kẻ thù đã tấn công Thủ đô của chúng tôi lần đầu tiên kể từ cuộc chiến năm 1812. Chỉ trong một buổi sáng, mục đích của nhiệm kỳ tổng thống của tôi đã rõ ràng: bảo vệ nhân dân và bảo vệ tự do đang bị xâm hại của chúng tôi.

Bước đầu tiên của bất kỳ phản ứng khủng hoảng thành công là kế hoạch bình tĩnh. Đó chính là những gì tôi đã cố gắng làm lúc ở Florida. Tiếp theo, chúng tôi cần sắp xếp các sự kiện, hành động để bảo vệ an ninh quốc gia, và giúp đỡ khôi phục các khu vực bị ảnh hưởng. Vượt thời gian, chúng tôi phải đưa ra một chiến lược đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý để buộc chúng không khủng bố được nữa.

Tôi gọi cho Dick Cheney trong khi chiếc Air Force 1 nhanh chóng leo lên độ cao 45000 feet, cao hơn độ cao thường bay. Dick đã được đưa đến Trung tâm Điều hành khẩn cấp ngầm của Tổng thống - PEOC - lúc cơ quan mật vụ tưởng rằng một chiếc máy bay khác hướng đến tấn công Nhà Trắng. Tôi bảo Dick tôi sẽ đưa ra quyết định từ máy bay và đặt niềm tin vào ông ta trong việc triển khai chúng dưới mặt đất.

Hai quyết định lớn đã nhanh chóng được đưa ra. Quân đội đã phái Air Combat Patrois, đội máy bay tiêm kích đánh chặn không đã được cử đến chặn những chiếc máy bay kia đến Washington và New York. Đánh chặn Không-đối-không là cái  ba mươi năm trước tôi đã được đào tạo như một phi công F-102 trong không quân vệ quốc Texas. Hồi đó, chúng tôi giả định mục tiêu là máy bay ném bom Xô Viết. Còn bây giờ là máy bay thương mại chở toàn người vô tội.

Chúng tôi cần phải làm rõ các quy tắc gắn kết. Tôi đã nói với Dick rằng các phi công của chúng tôi nên liên lạc với chiếc máy bay đáng ngờ và cố gắng để khiến nó hạ cánh một cách hòa bình. Nếu không thành công, tôi trao quyền bắn hạ cho họ. Máy bay bị tấn công là vũ khí chiến tranh. Mặc dù cái giá phải trả đau đớn, nhưng nhờ vậy có thể cứu được vô số người dưới đất. Tôi đã ra quyết định đầu tiên của mìn như một tổng tư lệnh thời chiến.

Vài phút sau, Dick gọi lại. Condi, Josh Bolten, và các thành viên cấp cao của nhóm An ninh Quốc gia đã gia nhập vào PEOC. Họ đã được báo rằng một máy bay đang hướng về phía Washington. Dick yêu cầu tôi xác nhận lệnh bắn hạ đã đưa ra. Tôi đã làm như thế. Sau này tôi mới biết rằng Josh Bolten đã phải thúc giục mới đảm bảo được chuỗi lệnh được thực hiện. Tôi nhớ lại thời còn là phi công. "Tôi không thể tưởng tượng được sẽ như thế nào nếu phải nhận lệnh này," tôi nói với Andy Card. Tôi chắc chắn không mong người nào phải thực hiện nó.

Quyết định thứ hai là nơi hạ cánh Air Force 1. Tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng chúng tôi nên trở về Washington. Tôi muốn được có mặt ở Nhà Trắng để chỉ đạo hoạt động đáp trả. Việc Tổng thống có mặt ở Thủ đô, nơi bị tấn công, sẽ giúp trấn an dân chúng.

Dịch từ Hồi kì Decision Points