>> Toàn cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
>> Chụp ảnh Đại lễ giật giải 10 triệu đồng

Hòa mình với ngày hội của Thủ đô

Từ những ngày cuối tháng chín, đầu tháng mười, không khí Đại lễ đã tràn ngập khắp ngõ phố. Hà Nội được chỉnh trang với vẻ đẹp rạng rỡ hơn hẳn ngày thường. Cờ hoa rợp trời, đèn điện lấp lánh. Người Hà Nội cũng ngong ngóng đến phút giây lịch sử chào đón Thủ đô tròn nghìn tuổi.

“Cùng với chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian tới Đại lễ ở đền Bà Kiệu thì hầu như ai trong khu phố nhà tôi cũng đếm từng ngày chờ Đại lễ. Trẻ con thì ríu rít, nắc nỏm đòi ra chơi phố. Cháu nhà tôi năm nay 3 tuổi, không còn lạ lẫm gì với những dịp lễ hội của Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên cháu thấy Hà Nội rậm rộ rực rỡ thế. Cứ tối đến là lại đòi mẹ cho ra xem Tháp Rùa phát sáng!” - chị Nguyễn Thị Hà (người dân sống ở phố Hàng Đào) vui vẻ chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Chị Hà cùng hai con vui đại lễ.

Trẻ con thì vậy, người lớn cũng tự hào và vui không kém. Bác Nguyễn Văn Quý (phố Lò Rèn) cho biết: “Nghìn năm Đại lễ thì có lẽ cả đời này chỉ được “dự” một lần, vinh dự, tự hào chứ. Sáng ra nhìn dòng người đổ về phố cổ, trên đường gặp gỡ người này người kia, bắt chuyện dăm ba câu họ đều hỏi “Bác là người Hà Nội phải không?”, mình chỉ cười, nghe cũng… lâng lâng”.

Bác Quý cho biết thêm, bác đã ghi riêng những sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra trong dịp Đại lễ để cùng con cháu đi thưởng thức. “Người ta còn từ nước ngoài, từ Nam chí Bắc nô nức về đây để xem nữa là...” - bác nói.

Chị Hoàng Tuyết Mai (phố Hàng Khay) tâm sự: “Gia đình tôi có 4 người, 2 vợ chồng bận công tác luôn, các cháu thì đi học xa tận trong Sài Gòn. Nhưng dịp Đại lễ, chúng tôi cũng đã thu xếp được hai ngày đoàn tụ để cùng bên nhau thưởng thức không khí lịch sử này”.

Nhịp đời vẫn chảy trôi

Con phố Hàng Dầu lúc 8h tối, thời điểm bên ngoài khu trung tâm đông kín người đổ về Hồ Gươm, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy nhịp sống của những người dân nơi đây không đổi khác nhiều. Những cửa hiệu vẫn tấp nập người mua kẻ bán.

Bà Thuận - chủ cửa hàng bán giày số 5 Cầu Gỗ đang tranh thủ lúc ngớt khách để ăn vội chiếc bánh tẻ thay cho bữa tối. “Mấy ngày nay đúng là người ta đi trẩy hội, đổ xô về Hà Nội. Phố xá đông nghìn nghịt. Cửa hàng nhà tôi đông khách hơn hẳn ngày thường. Tôi cũng bận luôn chân luôn tay, thành ra nhà cách phố có vài bước chân tôi cũng chưa đi chơi được nhiều” - bà nói, không giấu một chút tiếc nuối.

Mô tả ảnh.
Bà Thuận bận bịu với cửa hàng trên phố cổ.
 

Mấy chục năm sống ở Hà Nội, bà Thuận chưa từng thấy khi nào Hà Nội huy hoàng thế rực rỡ thế này. “Hôm khai mạc Đại lễ cả nhà tôi cũng đã đi chơi, đi xem cùng nhau. Vài hôm nữa vào “chính hội”, tôi sẽ đóng cửa hàng cả ngày để có thời gian vui vầy với con cháu” - bà vui vẻ nói thêm.

Không riêng gì bà Thuận, còn rất nhiều những cư dân phố cổ vẫn miệt mài với cuộc sống thường ngày của họ. Ngồi thu lu trong một góc nhỏ, bác thợ giày Nguyễn Văn Thanh (số 12 Hàng Dầu) dường như không mảy may bị tác động bởi dòng người ồn ào mỗi lúc một đông qua phố nhà ông.

“Sống ở phố cổ nửa đời người, còn lạ gì với cái đông đúc, xô bồ của Hà Nội. Dịp Đại lễ, người ta đi chơi nhiều, nhưng khách vào hàng nhà tôi cũng chẳng nhiều hơn. Thế mà cả ngày tôi cũng chả ngơi tay được mấy" - bác Thanh nói..

Mô tả ảnh.
Bác Nguyễn Văn Thanh vẫn miệt mài với công việc bình lặng hằng ngày của mình.

Góc phố nhỏ bác ngồi dù lặng lẽ vẫn "dậy" lên một không khí rất Hà Nội. Nó toát ra từ sự thư thái của người thợ giày, từ những bài hát quen thuộc về Hà Nội mà bác đang nghe từ chiếc điện thoại đặt trên tường.

Khi được hỏi, bác không ra phố chơi Đại lễ, bác Thanh cười xòa: “Hà Nội thì vẫn đây. Cứ gì phải ra phố, phải ồn ào huyên náo mới là mừng Đại lễ. Tôi cứ thư thả làm, thư thả nghỉ ngơi. Đến đêm lúc người ta vãn hẳn tôi mới đi dạo ra Bờ Hồ. Không còn cảnh bon chen, xô bồ, đó mới là cái hồn cốt Hà Nội mà mấy chục năm nay tôi vẫn gìn giữ”.

Nhịp đời vẫn chảy trôi. Những thị dân phố cổ Hà Nội mỗi người một tâm tư, một tình cảm dành cho Thủ đô. Đôi khi chẳng cần nói ra, nhưng ai cũng hiểu tình yêu Hà Nội luôn sẵn có trong trái tim, trong cõi lòng của họ...