Viện Khoa học công nghệ mỏ - TKV đã nghiên cứu thành công công nghệ cơ giới hoá khai thác và thiết kế, chế tạo loại dàn chống tự hành phù hợp áp dụng đối với điều kiện địa chất cá vỉa dày, độ dốc đến 35o tại vùng Quảng Ninh. Không chỉ đáp ứng về sản lượng than khai thác, công nghệ này còn xoá bỏ nhiều hạn chế trong công nghệ khai thác than mất an toàn trước đây.

Đây là một sản phẩm nằm trong đề tài "Dàn chống tự hành, một thiết bị có hiệu quả cao trong cơ giới hoá khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh" của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ (mã số KC.06.01/06.10) thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010.

Đề tài được Bộ KH&CN đánh giá xuất sắc và cho phép Viện triển khai tiếp dự án sản xuất thử nghiệm sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trên: "Hoàn thiện công nghệ cơ giới hoá, khai thác vỉa dày, dốc đến 35o bằng dàn chống tự hành chế tạo tại Việt Nam ở các hầm lò vùng Quảng Ninh"(Mã số KC.06.DA22/06-10).


Yêu cầu đổi mới công nghệ

 

 

Những năm gần đây, tình hình mất an toàn trong khai thác than vẫn đang là một vấn đề cần khắc phục. Theo thống kế của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - TKV có gần 200 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ than, trong đó có 287 người chết từ năm 1996 đến 2008, nguyên nhân chủ yếu do các mỏ than vẫn áp dụng công nghệ thủ công.

Các mỏ than chủ yếu áp dụng công nghệ khai thác bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, chống giữ bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động và gần đây là giá khung di động. Các công nghệ này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, đặc biệt là trong khấu gương, di chuyển cột, chuyển máng cào... Bên cạnh đó, việc khai thác than hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào sức người.

Trong khi, để đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong cả nước, đến năm 2020, sản lượng khai thác hàng năm phải đạt mức 60 triệu tấn, trong đó khai thác ở hầm lò chiếm khoảng 60%. Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, vấn đề nâng cao an toàn lao động, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất tài nguyên là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Bởi vậy đổi mới công nghệ là một trong những đòi hỏi hàng đầu.


Bước đột phá


 Dự án KC.06.DA22/06-10 thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010 "Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực". Thời gian thực hiện từ tháng 1/2009 đến 12/2010 với tổng kinh phí hơn 153 tỉ đồng.

Viện Khoa học công nghệ mỏ - TKV đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời công nghệ khai thác than cơ giới hoá đồng bộ bằng máy khấu Combai- sản phẩm nằm trong đề tài KC.06.01/06.10.

Dàn chống tự hành có chiều cao từ 3,16- 2,42m, chiều rộng 1,5m; số cột chống giữ 02 cột; lực chống tối đa 2287kN; cường độ kháng nền 0,61 Mpa; trọng lượng dàn 12,5 tấn. Dây chuyền thiết bị dàn chống vận hành khá ổn định, an toàn, sản lượng khai thác đạt 700-800 tấn/ngày đêm (khoảng 210.000-240.000 tấn/năm), áp dụng trong điều kiện vỉa dày từ 3,5-10m với độ dốc đến 35o.

Đây là dây chuyền kỹ thuật kết hợp giữa máy cắt vỉa than Combai với dàn chống di chuyển tự động, khắc phục được nhược điểm về giàn chống công nghệ truyền thống (giàn chống cố định chiếm một suất đầu tư lớn trong công nghệ khai thác than).Việc cơ giới hoá trong công nghệ khai thác than đã giúp hạn chế việc dùng trực tiếp sức người vào khai thác, làm giảm đáng kể tai nạn lao động.

 

 Dàn chống tự hành

Sau quá trình nghiên cứu, viện đã đưa công nghệ này vào khai thác thử tại Công ty Than Vàng Danh và đạt được những thành công lớn. Sản lượng khai thác than của công ty luôn đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Công nghệ này đã góp phần nâng cao mức độ tập trung hoá sản xuất trong các hầm lò, giảm tổn thất tài nguyên và đặc biệt đảm bảo an toàn cho công nhân... Đặc biệt, so với giá thành nhập khẩu, công nghệ này giúp tiết kiệm 28%, hiệu quả khai thác không thua kém công nghệ nhập từ nước ngoài.

Từ tháng 9/2009, phù hợp tiến trình triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm, viện và Công ty TNHH một thành viên Than Nam Mẫu - TKV đã ký hợp đồng với tổng giá trị 240 tỷ đồng, trong thời gian 8 năm, quy mô công suất khai thác trung bình 450.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, viện vẫn tiếp tục hoàn thiện, phát triển mô hình công nghệ này ra các khu vực có điều kiện áp dụng tại Quảng Ninh, quy mô công suất khai thác trung bình đạt 300.000 - 450.000 tấn/năm tại các công ty khai thác than hầm lò: Thống Nhất, Hà Lầm, Vàng Danh, Nam Mẫu và các mỏ mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới…

Với những đặc tính vượt trội đã được kiểm chứng, việc đưa công nghệ này vào ứng dụng rộng rãi sẽ mở ra một bước phát triển mới cho ngành khai thác than tại Việt Nam.
• T.M