Ông chờ đợi một cú điện thoại, cho một cơ hội cuối cùng.

Cơ hội cuối cùng

Chả là cách đây gần 3 tuần, ông đã nhờ một người bạn liên hệ với một phó Tổng Giám đốc của đài truyền hình Thủ đô, nơi chuẩn bị diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để chào bán loạt phim tư liệu về Hà Nội trong những năm ’60 và đầu những năm ’70, khi Hiệp định Hoà bình Paris được ký kết. Sau khi xem bản giới thiệu về từng bộ phim, vị lãnh đạo đài này, theo lời kể của người bạn, đã khen nội dung hay, và hứa sẽ nghiên cứu kỹ trước khi đưa vấn đề ra bàn và quyết định trong cuộc họp của ban giám đốc đài.

Mô tả ảnh.
Nữ tự vệ Hà Nội trong phim Hà Nội chiến đấu, đã phát trên VTV4
Công bảo sở dĩ ông vẫn nuôi hy vọng cho đến sát Đại lễ, là do, trước đó, đã đọc những phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc trên báo chí rằng Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không có nghĩa là chỉ tập trung vào sự kiện Lý Công Uẩn dời đô, mà cần quan tâm hơn tới ý nghĩa của việc gìn giữ, củng cố, cũng như chiến đấu giành lại nền độc lập đó vào những thời điểm nhất định trong lịch sử.

"Thậm chí, ông Quốc còn nhấn mạnh rằng thời đại Hồ Chí Minh với cuộc Cách mạng tháng 8 và ba cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chính là thời kỳ Trung Hưng thứ ba, sau Ngô Quyền và Lê Lợi", Công giải thích.

Niềm tin và hy vọng của người đại diện NDN càng được củng cố hơn, khi đúng vào ngày bắt đầu dịp Đại lễ, Báo Tiền Phong đã cho đăng bài viết "Nhiều phim về Hà Nội lỡ hẹn". Sau khi điểm qua những bộ phim lịch sử bị lỡ hẹn, và giải thích lý do, phóng viên báo này đã cho biết, ngoài hai bộ phim mới được chiếu một cách hạn chế, chỉ có những bộ phim cũ được chiếu lại như Em bé Hà Nội, Hà Nội-12 ngày đêm...

Như vậy, hà cớ gì lại không giới thiệu với người xem những bộ phim tư liệu lịch sử về Hà Nội thời kỳ đó, Công đã tự nhủ như vậy.

"Hơn nữa, người Hà Nội nói riêng, và người Việt Nam nói chung có dịp được nhìn lại Hà Nội dưới góc nhìn rất riêng, rất khách quan của một hãng truyền hình phương Tây về thủ đô của họ. Chứ mình làm phim về mình, tuy hay mấy, vẫn mang tiếng là tự mình khen mình", Công nói, và cho biết thêm toàn bộ 13 tập phim tư liệu về Hà Nội đều là "những hình ảnh sạch", tức là để người xem tự bình qua hình ảnh.

"Chính vì vậy, tôi đã nói như đinh đóng cột với ông Tổng Giám đốc NDN là các đài truyền hình ở Việt Nam không thể không quan tâm đến loạt tư liệu quí giá về một thời hào hùng của mảnh đất có truyền thống ngàn năm văn vật này. Bây giờ biết ăn biết nói làm sao với ông ấy đây?", Công lại buông tiếng thở dài.

Ông giải thích thêm rằng điều ông ngại không phải là trách nhiệm cá nhân, mà việc ông Tổng Giám đốc NDN có thể hiểu sai về mối quan tâm của Việt Nam đối với lịch sử Hà Nội. "Ông ấy đã rất hy vọng loạt phim tư liệu sẽ được phát sóng trong dịp Đại lễ. Từ cách đây một năm, NDN đã bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này, khi lục lại trong kho tư liệu phim quay ở Việt Nam thời gian đó, để biên tập và dựng lại là 13 tập phim nói trên", Công nói.

(Điều này người viết có thể xác nhận, khi trong cuộc phỏng vấn vào đầu mùa thu năm ngoái, ông TGĐ Ishighaki Misao đã nói với người viết rằng có ba việc lớn mà NDN phải làm ở Việt Nam trong năm 2010 là quay hai bộ phim về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Đường mòn Hồ Chí Minh, và dựng phim tư liệu về Hà Nội trong thời gian chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Hai bộ phim đầu NDN đã quay xong và đang dựng để phát sóng ở Nhật vào cuối năm nay.)

"500 triệu đồng cho tổng thời lượng khoảng 400 phút, tức là chưa tới một triệu rưỡi đồng một phút, đâu có nhiều nhặn gì so với những khoản chi phí khác. Chẳng hạn, chỉ riêng một buổi biểu diễn ca nhạc ở đền Bà Kiệu, người ta đã phải chi ra đến cả tỷ đồng", Công nói.

Công giải thích thêm rằng để những phim tư liệu này có thể được chiếu trong dịp Đại lễ, TGĐ Ishighaki, người có mặt ở Việt Nam trong những năm 1969-1972 và đã tham gia quay phim về Lễ tang Hồ Chủ Tịch và Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972, đã vui vẻ chấp nhận giảm một nửa so với giá chào (khoảng 1 tỷ đồng), khi nghe Công thuyết phục.

Công còn kể rằng một người bạn sau khi nghe ông tâm sự về chuyện này, đã phán một câu xanh rờn: "Sao ông không bảo NDN cho không đi? Cứ như phim Trung Quốc và Hàn Quốc đấy, họ hầu như cho không nên các đài từ trung ưong đến địa phương phát đều như cơm bữa ấy."

"Nếu là phim quảng bá về văn hoá Nhật Bản chắc chính phủ Nhật cũng sẽ cho không, như người Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn làm. Nhưng, tôi nói với anh ta, nếu tôi đề nghị với NDN cho không Việt Nam tư liệu lịch sử Việt Nam trong một dịp Đại lễ quan trọng này thì họ mới phát, chắc người Nhật sẽ cười vào mũi chúng ta", ông thuật lại.

Thất bại vì dốt tiếp thị

"Thôi, cơm không ăn gạo còn đó, lúc khác ăn cũng được. Ông cũng phải thông cảm chứ, chắc cho đến thời điểm này, họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu", nhìn vẻ mặt chán trường của Trần Huy Công, người viết đành cố buông một câu an ủi.

"Không ăn bây giờ thì bao giờ mới ăn? Đợi thêm 1000 năm nữa à?", Công đột nhiên trừng mắt nhìn người viết.

Nhưng rồi, mặt ông đột nhiên lại thừ ra, miệng ông lẩm bẩm: "Nhưng mà, kể ra lỗi cũng do tôi. Tôi mà quyết liệt hơn thì cơ sự chưa chắc đã đến nông nỗi này", Công nói.

Mô tả ảnh.
Hồ Chủ Tịch ngồi chụp ảnh với phóng viên NDN trên bậc lên xuống Phủ Chủ tịch năm 1962
Công kể rằng vào dịp kỷ niệm 30.4, lãnh đạo một công ty tư nhân về truyền thông đã liên hệ với ông để hỏi mua tư liệu của NDN quay về Việt Nam, sau khi biết NDN đã chuyển giao một phần kho tư liệu cho Đài Truyền hình Việt Nam quản lý và khai thác. Trong cuộc gặp, ông đã tranh thủ giới thiệu luôn về loạt phim này.

Sau khi loạt phim này dựng xong, Công liền cung cấp nội dung phim, cũng như báo giá. Vị lãnh đạo công ty này, theo lời Công kể, đã nói rằng quyết định của hội đồng quản trị là chỉ mua khi NDN chấp nhận giảm giá 50%, và không được tiết lộ với báo chí về chuyện này.

"Tôi gọi ngay lại cho Tokyo và thuyết phục ông tổng giám đốc rằng nên chấp nhận để phim được phát sóng vào cái dịp "ngàn năm có một này". Ông Ishighaki, như tôi đã nói ở trên, vui vẻ chấp nhận ngay", Công nói.

"Tức là họ chấp nhận hy sinh cả giá bản quyền, chi phí bảo quản phim nhựa trong thời gian trên dưới 4 thập kỷ qua, chỉ tính mỗi công biên tập và dựng phim, cũng như chi phí chuyển từ phim nhựa sang đĩa DVD", Công giải thích thêm, và cho biết NDN vừa phải mua với giá 300 USD/phút (khoảng 6 triệu đồng/phút) cho những đoạn phim tư liệu của Việt Nam.

Nhưng rồi, mọi chuyện tưởng như rất suôn sẻ, khi hai bên chuẩn bị ký hợp đồng, thì đột nhiên vị lãnh đạo công ty kia cắt liên lạc. Rồi khoảng hai tuần sau, vào giữa tháng 7.2010, khi xuất hiện bài phỏng vấn phóng viên Xuân Tùng (VTV1) trên Tuổi Trẻ, liên quan đến phần kho tư liệu được chuyển giao, vị này có gọi cho Công, và yêu cầu giải thích liệu có việc bán tư liệu cho cả hai nơi không.

"Tôi đã trả lời rất rõ ràng là NDN chỉ dựng loạt phim về Hà Nội, trên cơ sở những tư liệu chưa bán cho Đài THVN", Công nói.

Sau khi gửi tiếp hai bức thư điện tử mà vẫn không thấy công ty kia hồi âm, vào đầu tháng 8, Công quyết định tìm đầu ra khác. "Tôi nghĩ ngay đến VTV4, bởi ông trưởng ban biên tập VTV4 đã mua và phát sóng hai phim của NDN là "Lễ tang Hồ Chủ Tịch" (phát sóng lần đầu vào 2.9.2008) và "Hà Nội chiến đấu" (phát sóng vào ngày 10.10.2010 nhân dịp 999 năm Thăng Long - Hà Nội)", Công nói.

Nhưng VTV4 đã trả lời rằng họ không có đủ ngân sách để mua loạt phim này, dù rất muốn. Mà nhà tài trợ tìm cũng khó, bởi hai phim trước mà VTV4 mua của NDN cũng là do các nhà hảo tâm "im hơi lặng tiếng" bỏ tiền ra thôi, chứ đâu có bù lại bằng quảng cáo được.

Tuy nhiên, sau đó vị lãnh đạo cao nhất của VTV4 đã gọi điện báo cho Công rằng ông đã cung cấp cả số điện thoại và địa chỉ email của Công cho Đài Truyền hình TP HCM (HTV Sài Gòn). "Anh cứ chờ họ liên lạc. Chúng tôi đã bàn về việc chia sẻ bản quyền giữa VTV4 và HTV", vị này nói với Công.

"Nghe thế, lúc đầu tôi cũng nghĩ chắc cái ông VTV4 này dùng liệu pháp tâm lý để mình đỡ sốc, chứ HTV Sài Gòn thì quan tâm mấy đến phim về Hà Nội. Nhưng tối về nhà chợt nhớ đến hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ (Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long), tự nhiên thấy an lòng", Công kể.

Nhưng rồi, cứ đợi hết ngày nọ qua ngày kia mà chẳng thấy HTV Sài Gòn liên lạc, đến 20.9.2010, Công mới buộc phải tự liên hệ với HTV Hà Nội.

"Cũng do tôi dốt về tiếp thị. Giá mà tôi biết chủ động hé lộ cho báo chí biết về loạt phim này, về tấm lòng của một hãng truyền thông Nhật Bản với Thăng Long - Hà Nội, như mấy ông làm phim về Lý Công Uẩn, hay dựng cổng chào, thì có khi giờ này, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, mà những hình ảnh của Hà Nội cách đây 40-50 năm cũng đến được với người xem rồi", Công than thở.

"Có lẽ, ở Việt Nam, đến tấm lòng cũng cần phải biết tiếp thị", Công kết luận.

Danh mục phim tư liệu về Hà Nội:

1.    Hà Nội năm 1962 và lần đầu tiên NDN tiếp kiến Hồ Chủ Tịch. Dài 32 phút, đen trắng. Trong phim có cảnh Hồ Chủ Tịch mời phóng viên NDN ngồi xuống thềm Phủ Chủ Tịch chụp ảnh lưu niệm.

2.    Phong cảnh Hà Nội và phỏng vấn Hồ Chủ Tịch. Dài 32 phút, phim màu. Phim này có phần 18 phút phỏng vấn Hồ Chủ Tịch năm 1966.

3.    Hà Nội trong chiến tranh phá hoại. Dài 32 phút, đen trắng.

4.    Hà Nội mùa hè năm 1967. Dài 53 phút, phim màu. Trong phim có cảnh các bà mẹ Hà Nội chuẩn bị quà và đi thăm con nơi sơ tán.

5.    Hà Nội tháng 2.1968. Dài 10 phút, phim màu. Trong phim có cảnh người dân Thủ đô vẫn vui vẻ xem bóng đá.

6.    Phỏng vấn đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam tại Hà Nội. Dài 13 phút, phim màu, có tiếng.

7.    Tình hình Hà Nội khi Mỹ chấm dứt ném bom (12/1968). Phim màu, 24 phút. Trong phim là các cuộc phỏng vấn người dân.

8.    Mùa hè năm 1970 (7.1970) tại Hà Nội và Hải Phòng. Dài 19 phút, phim màu. Trong phim có cảnh người dân xem triển lãm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Hà Nội, và cảnh bốc dỡ hàng từ tàu nước ngoài ở cảng Hải Phòng, và chuyển bằng tàu hoả về Hà Nội.

9.    Hà Nội mừng Quốc Khánh lần thứ 25. Phim màu, 16 phút.

10.  Phỏng vấn Tổng Biên tập báo nhân dân và người dân Hà Nội (1.19720. Phim màu, dài 24 phút.

11.  Hà Nội tháng 12.1972. Phim màu, dài 45 phút. Trong phim có cảnh tàu điện chạy trên đường phố và trẻ em chơi quay bên hầm trú ẩn.

12.  Hiệp định hoà bình Paris và người dân Hà Nội. Dài 57 phút, nửa màu nửa đen trắng. Trong phim là những cảnh đổ nát vì bom B52, người bị thương, người chết trong quan tài, và cảnh pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ vào ban đêm.

13.  Hà Nội ngay sau Hiệp định Paris (2.1973). Phim màu, dài 47 phút. Trong phim có cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cuộc mít tinh, cảnh người dân Hà Nội đi sắm Tết, nhưng dân quân vẫn tiếp tục luyện tập, bởi sự cảnh giác với chính quyền Nixon. Phóng viên bình luận: Đây là cái Tết hoà bình sau 19 năm chiến tranh.
  •  Huỳnh Phan